Chú Bé Bán Bún Bò

Chú Bé Bán Bún Bò


Buổi chiều mùa đông ở Huế mát dịu có lẫn một chút se lạnh, đủ để làm cho lòng người chùng xuống. Khách viễn du bỗng dưng nổi hứng muốn lang thang. Chúng tôi mười hai người, trong đó có 2 người bạn trẻ tại địa phương, mướn sáu chiếc xe gắn máy. Xe dáng chừng rất cũ, trầy trụa lại đầy bụi mà chẳng hề chi, càng "phong trần"! Chụp lên đầu mấy cái nón "nồi" đã bạc màu sơn, chúng tôi tà tà chạy từ Đập Đá, xuyên qua con đường Lê Lợi rũ bóng phựơng xanh qua Bến Ngự, lên Đàn Nam Giao dấu tích lịch sử một thời, quành sang Thiên Mụ linh thiêng, leo điện Hòn Chén u uất huyễn hoặc rồi lại quay ngược qua Thiên An thông xanh vi vu lời hát bất tận… Những lối mòn đầy kỷ niệm của riêng tôi hơn bốn mươi năm trước, một chút gì như sóng bỗng trào lên trong lòng, một thoáng thôi. 

Rong ruổi chán rồi, chúng tôi về con phố nhỏ gần An Cựu xề vào một cái quán bún bò bên lề đường hẹp. Mới đầu hôm, còn sớm nên quán chưa đông, mà quán cũng không thể đông được vì chỉ có 5, 6 cái bàn con cùng mớ ghế đẩu, tất cả bằng nhựa, tất cả màu đỏ, tất cả thấp tè. Quán có một người phụ nữ đang chăm chú nồi nước lèo to lớn , một người đàn ông đứng nhìn quanh trông nom và một chú bé khoảng độ mươi mười hai tuổi tiếp khách. Khi đám chúng tôi kéo vào, chú bé chạy ra tươi tắn mời chào. Hỏi có đủ bàn để ngồi chung không, chú dạ dạ rồi nhanh nhẹn kéo mấy cái bàn ghép lại. Vỉa hè nhỏ, lại còn chục chiếc xe Honda chiếm ngự làm chú phải chật vật khiêng bỗng chiếc bàn lên khỏi đầu, ẹo người dịch qua nghiêng lại để kê cho được 4 cái bàn bé tí ti sát vào nhau. Chú lau bàn, xếp ghế, lễ phép mời chúng tôi ngồi rồi giới thiệu các loại bún cho chúng tôi chọn: bún bò có giò, không giò, có thịt tái, có gân, hay có chả tôm, cay nhiều, ít, không cay ….
 
  

Không có giấy bút để ghi nhưng chú nhớ tất cả 12 cái lao xao-thắc mắc-ngần ngừ đặt hàng của chúng tôi, rồi tóm gọn gọi vào trong: " 5 không giò cay ít, 3 không giò cay, 2 có tái, 2 đặc biệt giò tái gân..."

Người đàn bà hỏi: Tái để riêng hay chung?

Chú bé lại quay sang hỏi khách: Dạ thưa tái để riêng hay chung cho chín?

Người đàn ông bảo chú:
-Hỏi có uống gì không?
Chú lại quay ra hỏi, tóm gọn, rồi hướng về chị có xe nước phía bên phải:
- 8 nành, 4 xanh!!(8 ly sữa đậu nành, 4 sữa đậu xanh)
Chị bán sữa gật đầu xong, người đàn ông gọi chú:
-Nè, vào phụ lấy bún!
Chú dạ, rồi nhanh nhẹn chạy qua "bếp", xỏ đôi bao tay vào, lấy bún bỏ vào tô, rắc tí hành ngò, xếp thành hàng trên kệ. Người đàn bà chan nước lèo vào. Tô bún nóng bốc khói đã sẵn sàng, chú bê đến trước mặt khách, rồi tươi cười mau mắn đáp ứng những yêu cầu thêm rau, thêm ớt, đổi muỗng đũa của chúng tôi.


Tôi ngồi lặng lẽ quan sát và ... "nhiều chuyện" với bạn bè rằng thì là ông bà bán bún bò may mắn quá, con người ta tuổi ấy chỉ biết ăn và ngủ, hay tụ tập trong các quán trò chơi điện tử, chú bé này lại ra phụ bán hàng, một cái quán xép bên lề đường lắm kẻ đi qua nhiều ngừơi đi lại, mà không mắc cỡ. Rồi chúng tôi lại thì thào rằng thì là ông chủ quán mặt mày... không mấy đẹp trai, da hơi sẫm, lại cau có gắt gỏng, thế mà có cậu con trai khôi ngô ghê: da trắng, mũi không tẹt, nụ cười tươi, giọng nói nhẹ nhàng lễ phép. Bởi thế ông mới dùng chú để câu khách, chứ cái bộ dạng như ông thì quán bún có mà..."ê sắc"! Vừa xì xụp ăn chúng tôi vừa thì thầm to nhỏ. Thuởng thức tô bún bò ngay trên quê cũ, tôi  nhắc chuyện ngày xưa còn trẻ thường chạy ra đầu ngõ ngồi xẹp bên gánh bún bốc khói.


Bỗng dưng chú bé đến bên cạnh chìa ra hộp kẹo cao su nhỏ, mời mua. Ngạc nhiên, một trong chúng tôi lên tiếng:

- Thôi, bác có nhiều kẹo chewing gum lắm rồi, không cần đâu. À, Quán bún bò mà có bán kẹo nữa à?

-Dạ không, kẹo của con ạ.

-Con bán gây quỹ cho lớp hả?

-Dạ không, con bán cho con.

Bạn tôi cười cười:

-Con chăm chỉ phụ ba má bán bún vậy rồi ba má không cho con tiền tiêu hả, ba má kỳ quá há?

-Dạ đây không phải là ba má của con.

Bạn tôi sửng sốt:

-Hả? Không phải ba má con, con làm mướn hả? Họ trả con bao nhiêu một tối?

-Dạ, con làm tự nguyện chứ không lấy tiền!

-Hả? Sao? Cái gì? Con làm không lương?!!!

Hình như giọng bạn tôi hơi lớn, chú bé lấm lét nhìn ông chủ quán, rồi hạ giọng trả lời:

­-Dạ, con làm rồi hai bác ấy cho con bán kẹo.

Im lặng, chừng như để nuốt cục nghẹn xuống, bạn tôi đổi ý muốn mua kẹo. Mỗi thanh kẹo là 1 ngàn, bạn moi hết túi đâu hơn 50 ngàn đưa cho em, rồi nhón lấy một phong kẹo. Và chúng tôi cũng làm như thế. Bàn bên cạnh cũng làm theo. Hỏi chuyện, chú bé nói đang học lớp 7, học khá. Chú muốn kiếm tiền phụ mẹ vì Tết nhất gần đến rồi, tốn kém, mà mẹ thì làm lụng cực khổ quá.

Chúng tôi muốn nói chuyện thêm với chú bé cũng không được vì đã có vài khách mới bước vào, và chú lại lăng xăng lau bàn xếp ghế mời khách. Chu kỳ làm việc của chú lại bắt đầu. Rời quán tôi ngoảnh lại nhìn: chú bé ì ạch dọn những cái bàn bừa bộn chúng tôi đã bày ra, kê lại, xếp thêm….Tất bật đến tội nghiệp.

Không biết quán sẽ mở đến mấy giờ tối để chú tất tả ngược xuôi. Không biết rồi chú sẽ bán được bao nhiêu kẹo đêm nay, chiều mai và những ngày tiếp, và sẽ  kiếm được mấy đồng giúp mẹ. Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh con bé mảnh khảnh xinh xắn “chạy bàn” ở quán bánh bèo hôm qua, cô nhỏ dễ thương bên gánh chè gần  chùa Thiên Mụ sáng nay… Trên quê hương tôi, còn bao nhiêu em nhỏ  như vậy đang chật vật kiếm sống từng ngày? Những câu hỏi cứ tiếp tục hiện ra trong trí cho đến khi màn đêm buông xuống, rồi cũng đi theo tôi vào giấc ngủ. Dù biết sẽ không gặp lại em nhưng có một điều mà tôi tin chắc: em bé này sẽ nên người. Em biết suy nghĩ, biết thương mẹ, nhỏ tuổi đã tự kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống. Chúc em thành công, em bé tôi tình cờ gặp tại quán bún bò bên lề đường ở Huế.
 
Tháng 2, 2015

Recent Posts

Thư Pro’h