Nặng trĩu những ưu tư, một nhóm anh chị em chúng tôi đã về thăm các địa điểm quen thuộc của Hội.
Thăm Phòng Khám Từ Thiện Kim Long Huế và Mái Ấm Lâm Bích, Đông Hà
24 tháng 5, 2022: Điểm đến đầu tiên là phòng khám từ thiện Kim Long, Huế, nơi các nữ tu chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo. Vì dịch bịnh (tuy đã tạm được đẩy lùi nhưng nỗi lo ngại vẫn còn treo lơ lửng), nên chúng tôi chỉ đến trụ sở của nhà Dòng để trao quà, mong có chút đóng góp vào công việc từ thiện cao cả đầy ý nghĩa của các soeurs.
Ngày 25 tháng 5, chúng tôi đến thăm mái ấm Lâm Bích ở Đông Hà, Quảng trị, nơi gần 50 em được nuôi dạy trong vòng tay ấm áp của các soeurs tại một ngôi nhà khang trang, sạch sẽ. Các em được cho đi học như ước muốn của từng em. Với sự dìu dắt của các soeurs, các em sống vui vẻ, hoà thuận và biết chăm sóc lẫn nhau.
Người ta tìm thấy em trong túi nilong trước cổng một ngôi chùa nhỏ.
Được các soeurs chăm sóc nuôi dạy, nay em 8 tuổi , xinh xắn và dạn dĩ .
Thăm Khe Sanh, Quảng Trị
Khe Sanh, nơi đã từng là chiến trường khốc liệt. Hiện nay vùng đất này đang được hồi sinh, cuộc sống của người Kinh dần dần khá hơn do buôn bán hay trồng trọt nương rẫy. Tuy thế, người dân tộc Vân Kiều trong những buôn làng ẩn náu nơi vùng sâu thì vẫn còn rất thiếu thốn chật vật. Linh mục Philippe Nguyễn Bá Thông, quản xứ Khe sanh+Hướng Hóa + Ba Lòng là người tháo vát và đầy nhiệt huyết, linh mục luôn quan tâm đem niềm vui tinh thần lẫn nhu yếu phẩm đến chia sẻ với đồng bào nghèo, đặc biệt xin lập quỹ xin hòm gỗ giúp an táng người nghèo được chu đáo hơn (nhà nghèo, họ chỉ bó chiếu).
Nhờ sự quảng đại của ân nhân , chúng tôi đã trao quà đến linh mục quản xứ, để góp phần giúp người kém may mắn nơi núi xa xôi này.
(Vì đường xa và còn ngại dịch bệnh, chúng tôi được khuyên chỉ có thể đến nhà thờ Khe sanh chứ chưa vào các buôn làng )
Thăm soeur Tự, Đà Lạt
Ngày 28 tháng 5, chúng tôi đã đến thăm soeur Lê Thị Tự, người làm cánh tay nối dài cho Hội với các em học sinh nghèo hiếu học tại Đà Lạt hơn 15 năm qua. Soeur luôn là người ân cần theo dõi khuyên dạy từng em nhỏ trong các gia đình kém may mắn, giúp các em có động lực vươn lên. Dịp này, soeur cho hay vì cao tuổi và sức khỏe sa sút nên sẽ nghỉ hưu, mọi việc giao lại cho soeur Thuý, một nữ tu trẻ tuổi mà rất tận tâm với người nghèo.
Quý soeur cho biết dù dịch bệnh, lúc thì online, lúc trực tiếp, dù có thiếu thốn, các em của chúng ta vẫn chăm học.
Chúng tôi lưu luyến ghi lại vài hình ảnh với soeur .
Xin cảm ơn soeur Tự, kính chúc soeur được luôn an mạnh
Soeur Tự: thứ hai từ bên trái. Soeur Thuý: ngoài cùng bên phải
Nhà “Mở”
Trong lúc hàn huyên, hai soeurs cho chúng tôi biết vài năm nay quý soeurs có lập một Nhà Mở, là nơi cho các thanh thiếu nữ lỡ làng đến nương náu chờ ngày sinh nở. Có em lầm lỗi được cha mẹ tha thứ nhưng vì thể diện gia đình phải ẩn mình nơi nhà Mở một thời gian. Có em bị cha mẹ từ bỏ, bơ vơ, đến sống trong vòng tay bảo bọc của các soeurs. Soeur kể: “ tội lắm, có em chỉ mới 15, 16 tuổi, non nớt, ăn chưa no lo còn chưa tới, có biết gì đâu!”. Đến nhà Mở để có nơi ăn chốn ở, được đưa đi khám thai theo dõi đến khi sinh nở an toàn. Các soeurs chăm lo cho đến lúc “bé mẹ” có thể trở lại với xã hội, “bé con”, nếu muốn, gia đình có thể nhận về, hoặc được đưa vào nhà tình thương tại Tà Nung.
Hiện có 7 “bé mẹ” trong nhà Mở nhưng đóng kín để giữ gìn sự riêng tư cho các “bé mẹ” còn trong tuổi vị thành niên.
Việc làm của quý soeurs thật đầy lòng nhân ái bao dung.
Thăm sư Giác Thiện, Tam Bố, Di Linh
Ngày 29 tháng 5, chúng tôi đến thăm và trao quà của một gia tộc ân nhân cùng với sự đóng góp của Hội đến sư Giác Thiện.
Dịp này chúng tôi được vào thăm mảnh vườn phía sau chùa sum suê chuối, bơ, mít, sapote…xanh tươi; lại có dịp thăm cái Cốc nhỏ của sư nơi góc vườn trúc yên tĩnh. Phải là chân tu mới có thể sống như thế: căn “nhà” bé tí, rộng 2mét, sâu khoảng 1m5 mà 90cm là “ giường” đúc xi măng, không chiếu không đệm.
Thừa hưởng từ gia đình khá giả, cộng với sự trợ giúp mạnh thường quân, sư mua thêm 2 miếng rẫy, tạo việc làm cho người thất nghiệp và có thêm thu nhập giúp người nghèo (Tuy nhiên vì dịch bệnh, việc bán hoa trái năm nay cũng chậm lại.)
Cùng với việc luôn giúp đỡ người hoạn nạn hay tật nguyền, năm qua sư mua xe mini van về sửa lại để giúp chuyển bệnh nhân về bệnh viện huyện hay xa hơn ( vì chùa Chưởng Phước gần các buôn làng mà xa bệnh viện). Sư cũng mua máy bơm nước, thùng nước gắn vào xe bán tải để giúp chữa cháy khi hoạn nạn xảy ra.
Mong sư được mạnh khỏe để luôn là niềm an ủi và tựa nương cho người kém may mắn.
Mời xem hình và tin nhắn của sư để biết thêm về tấm lòng của vị tu sĩ đầy lòng nhân ái này.
Thăm Mỹ Quý ngày 15 tháng 6, một giáo xứ nhỏ nằm ven kênh Tháp Mười thuộc tỉnh Đồng Tháp. Tuy nơi này cách Saigon chỉ chừng 80 miles (140km) nhưng vì đường hẹp lại đông nên đi xe phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới đến. Hơn 10 giờ sáng thôi mà trời đã rất nóng, chúng tôi được linh mục quản xứ (mà người dân gọi một cách thân tình là “ông cố”) đưa đi thăm một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
-Một phụ nữ trẻ đang trong giai đoạn cuối của bịnh ung thư. Căn nhà nhỏ bằng tôn, ván và vách lá nằm doi ra gác chân trên mé kênh. Những tấm gỗ lát sàn nhà có những kẽ hở bằng cả ngón tay có thể nhìn thấy nước. Chồng đi làm thuê, chị và con gái nhỏ ở nhà cũng nhặt nhạnh rau ráng kiếm thêm. Ung thư đã di căn, chị không muốn chữa chạy tốn kém nữa, chị nói.
-Đọng trong ký ức chúng tôi là hoàn cảnh bà Năm Sông, gần 80 tuổi. Ngày trước ông bà sống trên ghe, không con cái, rồi ông qua đời, bà neo ở bến này lên bờ làm thuê kiếm sống, khi làm cỏ lúa, lúc nhổ rau. Khi ghe mục, “ông cố” xin chủ vườn nọ mượn khoảnh đất nhỏ để làm cho bà một túp lều bé và hứa là khi bà mất cha sẽ hoàn đất lại như cũ. Nhìn bà sống trong túp lều nhỏ bằng tôn quây bằng màn và lưới mà xót xa.
- Cặp vợ chồng già đau yếu, con cái đã lên phố kiếm sống nên ông bà thui thủi trong căn nhà tôn sơ sài nóng bức. Bà bị hư một mắt và sức khoẻ sa sút.
-Bà cụ ngày trước đi phụ bếp, rồi bị tai biến, tuy nay đã đi lại được nhưng gầy yếu. Cụ sống cô đơn trong căn nhà bằng tôn gác trên mé kênh. Cha xứ vẫn giúp gạo mắm hằng tháng và gửi hàng xóm để mắt giúp đỡ bà.
-Ông cụ bị tai biến, sống nhờ con.
-Chị bị tiểu đường nặng, vừa ở bệnh viện về. Căn lều tre nứa và những tấm bạt nằm doi ra gác trên mé kênh, chênh vênh, mong manh.
Mỹ Quý có ruộng, có vườn xanh mát và những căn nhà khang trang, nhưng nép sau đó là nhiều mảnh đời khốn khổ xơ xác. Họ luôn là sự băn khoăn của “Ông cố”, hay “cha xứ”, một linh mục còn rất trẻ, nhiệt thành, sống hoà đồng và luôn lưu tâm đến những người kém may mắn. Vì thế "ông cố" được dân làng yêu mến, cho dù họ thuộc tôn giáo nào.
Ngôi thánh đường nhỏ khang trang mà đơn sơ nằm sát con kênh. Khoảng sân rộng thấp hơn mặt đường, lỗ chỗ, gãy vỡ nhấp nhô. Chúng tôi liên tưởng đến những cơn mưa lũ, và con nước lớn kéo về.
Chúng tôi từ giã Mỹ Quý lúc xế trưa. Nắng miền nhiệt đới thật gay gắt. Mà nóng, nắng, hay đường sá xa xôi gập gềnh... có sá gì so với những khó khăn mà các cụ già, người bất hạnh đang chịu?