Trip 2011

 Charity Trip 2011 

Sau bao ngày miệt mài lo gây quỹ, lại biết bao thư từ và hình ảnh qua lại, tất cả anh chị em chúng tôi đã chọn mùa Xuân 2011 để thực hiện dự tính của mình.

 Tết Tân Mão vừa qua được mấy ngày, chúng tôi 8 người đã lên đường. Hành lý nặng chĩu gồm 200 lbs áo quần cũ, 50 lbs thuốc tây, 50 lbs kẹo chocolate và 300 cây bút.. mà chúng tôi may mắn không gặp trở ngại gì tại phi trường Tân Sơn Nhất. Thời tiết hơi quá lạnh khác thường của California và cái nóng hừng hực của Saigon đã làm một vài người trong chúng tôi ngã bịnh nhưng cũng cố giả lơ, vì  chuyến đi đã được sắp xếp cả nửa năm nay rồi, không thể bỏ lỡ.

Chúng tôi mướn xe đi Đà Lạt, Cam Ranh, Nha Trang, trở về Sai gòn rồi đi máy bay ra Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, lấy máy bay khác ra Hà Nội, vào thăm Ninh Bình rồi về lại Sài gòn, sau đó đi xe lên Tây Ninh. Tất cả hết 10 ngày.

 - Vạn Thành, Đà Lạt:

Sáng tinh mơ ngày thứ Tư, 16 tháng 2 chúng tôi khởi hành đi Đà Lạt. Người giúp liên lạc với Hội là Soeur Betnadette Lê Thị Tự ở Vạn Thành, một nữ tu đã trọng tuổi, người nhỏ nhắn với nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi. Soeur Tự hết lòng phục vụ tha nhân và làm việc không ngưng nghỉ, Soeur điều hành một nhà nuôi trẻ suy dinh dưỡng, một nhà Tình Thương (nuôi trẻ mồ côi), một trạm xá cho người nghèo, một Nhà Trẻ và một vườn trồng hoa hồng. Ngoài ra các Sơ còn giúp một nhóm đồng bào sắc tộc bị phong cùi tại Kontum. Sơ kể lúc bịnh nhận bị nặng phải đem về trung tâm phong cùi ở Qui Nhơn, các Sơ phải chở người bịnh đi bằng xe gắn máy gần 2 ngày, vì ngoại hình của người bịnh không thích hợp để ngồi xe đò.  Lúc chở người bịnh, thì một Sơ chạy xe, còn 1 Sơ ngồi ở sau để giữ người bịnh khỏi té ngã. Chỉ tượng tượng thôi cũng đủ thấy tình thương và sự hy sinh bao la của các Sơ dành cho những người bị xã hội ruồng bỏ.

 Tại Đà Lạt, Hội bảo trợ 20 em từ lớp 3 đến lớp 10, gồm các em chăm học mà gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chánh, có em vừa mất cha, có em cha bị tai nạn nằm hôn mê cả 3 năm rồi. Một số em khác trong gia đình vừa di dân từ miền Bắc vào còn chật vật làm lại cuộc đời. Các em ở đây chăm học, hiền hoà, và dí dỏm. Chúng tôi hẹn 5giờ chiều vì phải chờ các em đi học về. Sơ Tự và 2 Sơ trông coi Nhà Trẻ đã đón tiếp chúng tôi niềm nở, tạo cơ hội cho chúng tôi thăm hỏi và trò chuyện với các em một cách tự nhiên qua bữa bún bò Huế do chính các Sơ nấu. Chúng tôi bịn rịn từ giã vì trời đã tối và chớm lạnh, các em được phụ huynh đến đón, và chỉ rời khuôn viên Nhà Trẻ sau khi khoanh tay thưa với Sơ Tự: “ Thưa Bà con về!”, thật dễ thương.

 





 - Nha Trang&Cam Ranh

Sáng sớm thứ Ba, ngày 17 tháng 2, xe đổ dốc xuống Nha Trang. Con đường tuy vừa mới làm được 2 năm mà lồi lõm lỗ chỗ nặng, giữa đèo lại có một quãng đất sụt lấn cả đường đi, phải ngừng lại gần 1 giờ để chờ khai quang. Chiếc xe dằn xóc làm thân xác chúng tôi  ê ẩm, thế mà đền chiều chúng tôi lại hăng hái đi tiếp vào làng Lập Định, Cam An, Cam Ranh cách Nha Trang khoảng 20km về phía nam. Nơi chúng tôi đến là giáo xứ Suối Hòa, bên cạnh nhà thờ có 1 trạm xá gồm 2 phòng khám bịnh và 1 phòng nghỉ của bịnh nhân đơn sơ nhưng sạch sẽ. Trạm xá có các nữ tu bác sĩ, y tá và thiện nguyện viên đến khám bịnh và phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo vào cuối tuần. Hội đã đóng góp tài chánh để giúp duy trì công việc từ thiện này.

Hội cũng đang bảo trợ cho 35 em thuộc giáo xứ và những vùng lân cận. Đây là nhóm lâu đời nhất của Hội, có em đã ở trong chương trình từ năm 2004, đến nay đã vào đại học, cũng có em đã tốt nghiệp lớp 12 và  kiếm được việc làm nuôi thân. Cũng để chờ các em tan học về nên chúng tôi hẹn 6 giờ tối. Và cũng vì 6 giờ rồi, cha quản xứ bận dâng lễ chiều, cha để chúng tôi tự do hàn huyên với các em. Các em đã viết thư rằng “mong được gặp các cô chú dù chỉ một lần trong đời”, nay được gặp, tất cả chúng tôi cùng nhau sà xuống sàn nhà ngồi xúm xít nói chuyện thân tình như anh em, chú cháu lâu ngày mới gặp lại. Chúng tôi thì đã biết mặt biết tên các em qua thư từ và hình ảnh nên cũng có thể hỏi han từng em về việc học. Các em thì hỏi  đủ thứ, từ sinh hoạt của Hội, làm sao để Hội có tiền giúp các em và các bạn, các cô chú và ân nhân sinh sống ra sao, cô chú làm sao gặp nhau  để lập thành Hội này, vv…. Chúng tôi cũng nhân dịp này khuyên các em cố gắng chăm học để có tương lai tốt, kể cho các em nghe tinh thần cầu tiến và những thành tích của học sinh Việt nam ở hải ngoại.  Có lẽ buổi nói chuyện còn kéo dài mãi nếu đồng hồ chưa chỉ 9 giờ và ngoài trời đã tối mịt. Chúng tôi chia tay các em trong luyến tiếc, và hẹn sớm gặp lại.

 




Ngày 18 tháng 2.

11 giờ sáng: đến thăm nhà Tình Thương Hướng Dương. Đây là nơi nuôi dưỡng các em bụi đời, bị bỏ rơi hoặc mồ côi. Nhà Tình Thương có cơ sở khang trang, các em được dạy dỗ và lớn lên trong tình thương của các tu sĩ  thuộc Dòng Ngôi Lời. Các em được đến trường, học đến hết khả năng của các em, được tự do theo tôn giáo do các em chọn. Khi đã có công ăn việc làm hay có thể lo thân được thì các em ra sống tự lập. Em nào lập gia đình thì cũng về xin cha giám đốc làm chủ hôn họ nhà trai hay bên đàng gái tùy trường hợp. Không khí trong nhà luôn vui vẻ, nhộn nhịp nhưng rất trật tự. Tuy nhà tình thương được một cơ sở bác ái của Pháp giúp nhưng chỉ được một nửa, phần còn lại các cha phải xoay xở lấy.

 


2 giờ chiều, theo hẹn, chúng tôi đến thăm làng Phước Đồng, tuy cách Nha Trang chỉ 15 phút lái xe nhưng cuộc sống hoàn toàn khác hẳn. Đường từ Nha Trang đến Phước Đồng mới, rất tốt và đẹp vì đi qua “Diamond Resort” và “Diamond Beach”, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy tấm bảng “Diamond Beach, nơi tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ năm 2008”, hay “Diamond Beach, Miss Universe Pageant 2008” đầy kiêu hãnh. Tuy thế, làng Phước Đồng lại nấp mình nhỏ nhoi sau con lộ đẹp đẽ ấy. Phước Đồng gồm dân tứ xứ mới vào đây lập nghiệp, họ làm đá, làm củi và làm …mướn. Vì thế, làng không thiếu những mảnh đời éo le, đơn độc. Thầy Quang thuộc  Dòng Ngôi Lời và các anh chị em thiện chí tại địa phương đã chờ sẵn để dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình có hoàn cảnh đáng thương. Dù không chuẩn bị trước, chúng tôi cũng không ngần ngại ngồi lên xe gắn máy chạy băng qua những con đường đầy bụi, lồi lõm, giữa buổi trưa nắng gắt của miền biển, vào sâu gần chân núi để đến từng nhà.

 








Người đầu tiên chúng tôi đến thăm là một thiếu phụ bị ung thư gan thời kỳ cuối, chồng bị tai nạn xe nên trở thành si khờ , có 2 con gái thì đứa 9 tuổi khôn ngoan, lại vừa bị sụt hố phân mà chết, còn đứa nhỏ chưa giúp gì được. Đời sống quả là bế tắc. Chúng tôi an ủi chị, giúp chị một chút tiền trong hy vọng chị có thể tìm được chút tình người trước khi từ giã cõi đời và cũng gửi lại một chút tiền cho thầy để nếu chị có qua đời cũng giúp gia đình lo đám tang.

 Người thứ hai là “cô Gái”, do ngày trước bà là lao công cho một trường học, khi về già bị cho nghỉ nhưng không có một chế độ hưu dưỡng nào cả, làng xóm vẫn kính mến gọi bà là “cô Gái”. Bà đã gần 80, lãng tai và yếu mắt, lại không gia đình, không nhà, chỉ che được một túp lều nhỏ và mong manh bên bờ đìa, xa làng xóm. Chúng tôi nghĩ thầm “không biết túp lều này có còn đứng vững được trước những con gió lớn, mưa nặng, hay lúc nước dâng cao không?”, và “lúc đau ốm, biết kêu ai?”.

 Kế đến, chúng tôi đến thăm một cặp vợ chồng già, bà vợ đi đẩy xe rác vắng nhà, người chồng có vẻ hơi ngẩn ngơ, chúng tôi không hỏi han được nhiều.

Tiếp theo, chúng tôi đến thăm một cặp vợ chồng già khác, đã 80 tuổi, ông cụ được mướn  giữ vườn với số lương 400 ngàn đồng 1 tháng (khoảng $20), bà cụ “ăn theo” chứ không có lương. Chủ vườn có cái chuồng heo cũ không dùng, 2 cụ biến nó thành căn nhà 2 gian. Cũng nền xi măng, tuy mái tranh vách lá nhưng cũng là tổ ấm cho tuổi xế chiều!

 

Mỗi nơi đến thăm, mỗi người chúng tôi được gặp là một kinh nghiệm sống xót xa, là những tiếng than thầm cứ ngân vọng mãi trong tim mỗi chúng tôi.

 

Buổi tối, cũng tại nhà Dòng ở Phước Đồng, chúng tôi gặp 20 em do Hội bảo trợ. Các em ngoan, sang sủa, liến thoắng và hỏi han đủ diều. Các em thuôc nhiều tôn giáo khác nhau. Hàng tháng, các em tụ họp để được cái thầy dạy về nhân bản và được khuyên bảo về việc học.

 

 

Nha Trang 19 tháng 2, sáng sớm.

Đọc một bài viết về Nghĩa Trang Thai Nhi tại Hòn Thơm và nhà “Tín Thác” của người có tấm lòng vàng tên  Phúc thành lập, chúng tôi cố tìm đến thăm. Phải mất 1 giờ tìm tòi ngược xuôi, chúng tôi cũng đến nơi nghĩa trang gồm hàng ngàn ngôi mộ bé tí. Đây là một vùng sâu trên núi, ít người lai vãng, là nơi chôn cất những sinh linh bé bỏng không được chào đời. Có những tấm lòng vàng đi nhặt nhạnh các thai nhi về chôn cất, lại có những tấm lòng vàng khác đến lau chùi, quét tước hàng tuần. Trời đưa đẩy, lúc chúng tôi đến thì đã có một nhóm nữ sinh viên đang nghỉ ở chân núi sau khi lau chùi các ngôi mộ bé tí ấy.

Hỏi chuyện các cô bé, chúng tôi có được địa chỉ của nhà “Tín Thác” nơi dùng để giúp các “bà mẹ” lầm lỡ.  Quả như trong bài báo đã viết,  nhà Tín Thác gồm 2 tầng khang trang nằm gần trung tâm thành phố Nha Trang. Căn nhà này do cha mẹ để lại, các anh chị em đã tự nguyện cho người em trai là anh Phúc làm nhà từ thiện. Anh giúp các em gái trót mang thai đến tạm trú cho đến lúc sinh nở. Khi em nhỏ chào đời người mẹ có thể để con lại đây mà đi làm lại cuộc đời, sau này nếu muốn có thể đến xin nhận lại con, vì thế không một em nào được cho đi làm con nuôi. Có 1 em bé bị bỏ rơi trước cửa nhà Tín Thác đêm 30 tết, lúc chúng tôi đến thăm thì em đã 2 tuần, rất kháu khỉnh và mạnh khoẻ. Hiện Tín Thác có 19 em bé chưa đi học và 30 em đã được đến trường, ngoài ra có mấy phòng đang đóng kín dành cho các em gái đang chờ ngày sanh. Các em bé chừng 1-3 tuổi được chơi trong một căn phòng thoáng mát sạch sẽ, ăn mặc tươm tất, trông rất khoẻ mạnh. Có lẽ vì thiếu sự ấp ủ của người mẹ, các em bé này thèm được vỗ về. Khi chúng tôi vào, các em bé cứ đến nắm tay ôm vào lòng, còn có em thì nằm sà vào lòng anh chị em chúng tôi, môi nở những nụ cười đẹp rất thơ ngây. Sự thèm khát được ôm ấp vỗ về ấy làm cho lòng người thăm viếng phải chùng xuống xót xa, khó mà dứt bước ra đi.

 






Qua tìm hiểu, chúng tôi biết còn có nhiều nơi trên quê hương cũng có những căn nhà như vậy do các tu sĩ âm thầm làm việc để giúp các thanh nữ lầm lỡ sống đúng lương tâm mình và bảo vệ mạng sống của đứa con còn trong bụng.

 Chuyến xe trở về dài lê thê, đến 10g đêm mới tới Sài gòn. Chúng tôi mang theo trong lòng hình ảnh, tiếng cười của những em bé mồ côi, những khuôn mặt trong sáng của các em học sinh và những cụ già khắc khổ, héo hon gầy mòn trong cảnh sống cô đơn thiếu thốn.

 

Sáng 20 tháng 2:

Sau khi chợp mắt vài tiếng để lấy lại sức sau chuyến xe đường dài từ Nha Trang  và thay đổi túi quần áo, lúc 5 giờ sáng chúng tôi có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất đáp máy bay đi Huế, tại đây, chúng tôi sẽ đến thăm 2 nhóm.

 - Nhóm do Sơ Lan ở Kim Long phục trách, gồm 15 em thuộc quận Phú Lộc-Huế và 5 em thuộc tỉnh Daklak. 9:30 sáng, các em ở Huế tụ tập tại nhà Dòng, dù Phú Lộc ở cách thành phố Huế hơn 30 km. Các em học từ lớp 2 đến năm thứ 2 đại học, rất ngoan và rất chăm học. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí muốn vươn lên để thay đổi tương lai mình và giúp gia đình. Có em đang theo đại học tại Đà nẵng, phải ở trọ, mỗi tối làm thêm trong quán café để có thể tự lo trang trải tiền trọ. Em nói lên lòng tri ân sâu sắc đến món học bổng mà ân nhân đã trao tặng ($150/1 năm), tạm đủ để em đóng tiền học. Các em là con gái con trai xứ Huế, nói nhỏ nhẹ, cười khúc khích và nhìn chúng tôi với đôi mắt thân thiện. Một vài em đại diện hỏi chuyện chúng tôi và gửi lời cảm ơn ân nhân. Tất cả các em đều rất xinh xắn sáng sủa. Chúng tôi tin rằng các em sẽ trở thành những người hữu ích cho xã hội và gia đình.

Sơ Lan và các Sơ đã đón tiếp chúng tôi rất niềm nỡ, cho chúng tôi đi thăm phòng khám Kim Long, nơi các Sơ trực tiếp phụ trách. Phòng khám là một cơ sở 2 dãy nhà gồm có phòng khám bịnh, chữa bịnh, chữa răng, châm cứu và phát thuốc cho người nghèo mỗi ngày trong tuần. Nhà Dòng có các Sơ là bác sĩ y khoa gần 40 năm tay nghề, có Sơ vừa tốt nghiệp và có mấy Sơ hiện đang theo học y khoa. Ngoài phòng khám bịnh này, nhà Dòng còn có nhiều nhà tình thương tại Huế và Daklak  nuôi trẻ em mồ côi hay bị bỏ rơi. Cảm phục vì những hoạt động bác ái của nhà Dòng, SBVCC đã chuyển đến nhà Dòng một ngân khoản nhỏ và số thuốc men do ân nhân đóng góp cho chuyến đi đặc biệt này. Qua slideshow chúng tôi trình chiếu  về sinh hoạt, tổ chức của Hội, quý Sơ ngạc nhiên khi thấy Hội chỉ một nhóm nhỏ với thành viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà làm được nhiều việc thế, bấy lâu nay quý Sơ cứ nghĩ Hội rất đông và có cơ quan tài trợ!





 

-Nhóm Phủ Cam, gồm các em từ nhiều vùng trong địa bàn Quảng Trị và Huế. Đây là nhóm khá lâu của Hội và có nhiều thành quả tốt. Cách đây 4 năm thì nhóm gồm hơn 70 em, nay một số đã tốt nghiệp trung học, đi làm, cũng có khá nhiều em đã tốt nghiệp đại học, kiếm được việc làm tốt. Hai năm trước Hội đã ghé thăm các em ở Quảng trị và ở ngoại ô Huế, năm nay các em ở Thanh Tiên, Tiên Nộn và Triền Sơn Nam đi xe đạp hay đi đò hết 45 phút hay 1 giờ để đến gặp anh chị em chúng tôi tại Phủ Cam, lại còn mang theo các món ăn đặc sắc của làng để cùng ăn với chúng tôi nữa. Thật cảm động. Vì đã gặp lần trước rồi, nên đã quen, các em hỏi chuyện rất vui vẻ tự nhiên. Chúng tôi lại cho các em xem slideshow về sinh hoạt của Hội và cách Hội làm việc, nấu ăn để gây quỹ giúp các em. Các em hiểu hơn, tri ân Hội cùng ân nhân nhiều hơn và trân quý món tiền học bổng các em được nhận hơn. Cũng nhân dịp này, chúng tôi khuyên các em về tính tự lập, tìm tòi và cầu tiến.

 



Ngày 23 tháng 2, Ninh Bình.

Cũng nhờ một dịp tình cờ, chúng tôi gặp một Sơ Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đi công tác tại Los Angeles. Chúng tôi tự động tìm đến nói chuyện với Sơ và sau câu chuyện tìm hiểu chúng tôi tình nguyện giúp đỡ một số em học sinh nghèo đi học. Sau nhiều thư từ qua lại, từ năm học 2010-2011 Hội đã đồng ý bảo trợ cho 30 em từ lớp 3 tới lớp 7. Đa số các em có hoàn cảnh gia đình rất đáng thương: mồ côi cha, mẹ, cả cha lẫn mẹ, hay cha mẹ bỏ rơi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp các em, và các em chưa biết gì về Hội.

 Vì muốn tiết kiệm, chúng tôi đã dùng hãng máy bay rẻ tiền nên cũng có những điều không được tiện nghi, nhưng rồi cũng đã đến được phi trường Nội Bài lúc 3 giờ chiều. Vì đây là lần đầu tiên chúng tôi ra miền Bắc, các Sơ đã cẩn thận ra tận phi trường đón và đưa về Ninh Bình, rồi các Sơ về Phát Diệm cách thị xã chừng 10km. Con đường Nội Bài-Ninh Bình khoảng 100 km mà đi mất 3giờ vì có nhiều đoạn đường xấu, đông xe, tài xế chạy thiếu trật tự. Chúng tôi hẹn các em sau giờ học, tức là chừng 5g chiều. Các em ở rải rác nhiều làng xã cách xa Kim Sơn, các Sơ phụ trách chở các em đến bằng xe gắn máy. Mỗi Sơ chở 2 em, vì vậy hôm ấy có 20 em gặp chúng tôi mà có hơn 10 Sơ cũng đến nữa. Các em hiền lành, dễ thương và đẹp thơ ngây như bao trẻ em khác. Có lẽ nhiều em chưa bao giờ ra khỏi làng và chưa bao giờ gặp người không nói giọng Bắc! Những hộp kẹo, cái bánh, bao lì xì vừa nhận được, các em cầm lấy mân mê không dám ăn và không dám mở ra, có lẽ sẽ đem về khoe với thân nhân! Một em trong nhóm viết thư khá hay, chúng tôi tặng em món quà khích lệ là cái pin cài áo hình trái tim có battery. Em mân mê món quà rồi nói “Con sẽ nhớ: đây là trái tim nhân ái của các cô chú.”

 Qua các Sơ, chúng tôi biết được rằng với số học bổng $50 mỗi năm, các em có thể đủ để đóng tiền học và mua thêm bút vở, các em tiểu học thì có thể sắm thêm cái áo hay đôi dép. Chi tiết này làm chúng tôi suy nghĩ và nguyện sẽ cố gắng sống tiết kiệm hơn và ra sức gây quỹ để làm ra nhiều cái $50 như thế nữa.

Một điều làm chúng tôi băn khoăn: 3 em trong nhóm có phụ huynh là nạn nhân của HIV. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết cách đây không lâu có phong trào vào rừng đào vàng. Công việc này thu hút nhiều người trẻ, lại ở sâu trong rừng và có lúc làm ra được nhiều tiền. Ba điều này cộng thêm với những hiểu biết quá hạn chế về vệ sinh đã làm cho vi trùng lây lan cho nhiều người, cướp mất nhiều mạng sống và đem đến cảnh mồ côi bơ vơ cho nhiều trẻ em vô tội. Đáng thương thay, các em bé chỉ biết nói “bố con mất vì bịnh xã hội” , “ mẹ con mang bịnh xã hội” có lẽ đầu óc ngây thơ của các em chưa hiểu được đó là bịnh gì. Mong rằng nếu được tiếp tục đến trường, các em sẽ được học và hiểu hơn, từ đó có một cuộc sống lành mạnh, biết bảo vệ mình và người chung quanh.

 





Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đã ngưng trệ hoạt động một trong thời gian rất dài, các Sơ phân tán từ năm 1954, cơ sở nhà Dòng bị chiến tranh tàn phá. Các Sơ đã sinh tồn bằng nghề dệt chiếu, trồng trọt và chăn nuôi. Mãi đến năm 1991 Dòng mới được nhận đệ tử. Các Sơ trẻ được ra Hà Nội hay vào Sai Gòn tu học, có Sơ được gửi ra nước ngoài du học. Thế hệ trẻ này đem đến cho nhà Dòng một sức sống mới, hồi sinh lại nhà Dòng. Tuy thế, các Sơ dù trẻ cũng phải học hết sinh hoạt của nhà Dòng, được học từ xưởng dệt chiếu đến vườn thuốc, vườn rau. Hiện nhà Dòng đang được từ từ xây dựng lại, đó cũng nhờ các ân nhân đồng hương Phát Diệm từ khắp nơi giúp đỡ. Nhà Dòng có nhà tình thương nuôi trẻ mồ côi, nhà nuôi người bịnh HIV giai đoạn cuối, phòng khám bịnh và phát thuốc Đông Y, vườn trồng thuốc Nam, trồng nghệ đen, vv… Hội đã tặng nhà Dòng một ngân khoản để góp phần vào những công việc từ thiện bác ái. 

 Dân chúng ở Ninh Bình còn hiền hòa, chân thật. Cuộc sống còn khó khăn.

Buổi sáng trong lúc có thì giờ dư giả, anh tài xế đưa chúng tôi đến khu du lịch Tràng An các thị xã 14km. Đây là vùng “sinh thái” do một nhà đầu tư “thu mua” đất của nông dân quanh vùng gần những quả núi có hầm động. Đất được đào đi, nước được bơm vào để làm thành con sông đào dài 12km nối liền đi quanh 9 quả núi ấy.  Những nông dân “bán” đất được “ưu tiên” làm nghề chèo đò để đưa du khách. Du khách mua vé 80.000 VND/người, 4 người đi một đò, nhưng người chèo đò chỉ được trả 60.000VND/1chuyến. Họ chèo rã cả tay gần 2 giờ đi hết con sông dài 12km ngoằn ngoèo, qua những động nhỏ, những khúc quanh hẹp và phải vui vẻ nói chuyện làm vui lòng khách. Vì có hơn 1000 con đò như thế, có khi cả 2, 3 ngày mới lại đến phiên chèo. Tuy vậy người chèo đò cũng không được bỏ về sau chuyến của mình, mà phải ngồi đó để làm cảnh bến đò có cả ngàn con đò nhỏ sơn cùng màu với công nhân chèo đò mặc đồng phục! Cảnh thì có đẹp nhưng lòng không khỏi xót xa ngậm ngùi!

 

Tây Ninh 26 tháng 2.

Hội được giới thiệu với nhóm Tây Ninh năm vừa qua. Giáo xứ Tây Ninh gồm những người bắc di cư vào hơn 50 năm trước, cuộc sống ổn định, nhưng gần đó có những nhóm  người khác mới được di dân đến ở vùng gần núi, sinh sống bằng nghề làm rẫy và chăn nuôi, cuộc sống còn cơ cực lắm.  Hội bảo trợ cho 20 em từ lớp 2 đến lớp 5. Các em đều học chăm, có thành quả học tập tốt. Khi chúng tôi đến thăm vào một buổi chiều rất nóng nực, phụ huynh của nhiều em đã đem con đến, tỏ lòng tri ân về sự giúp đỡ dành cho con họ, giúp con họ xây dựng tương lai tốt đẹp hơn họ.

 



Chuyến công tác chiếm gần hết 3 tuần phép, không vui chơi hay thăm cảnh đẹp gì ngoài cuộc du ngoạn bất ngờ khi ở Ninh Bình, nhưng chúng tôi rất vui vì đã gặp được nhiều người đang cần mình, nhiều em học sinh đang mong ở mình. Chúng tôi lại được chứng kiến những cảnh kiếm sống cam go, chạy tiền tất bật. Chúng tôi cảm thấy được an ủi vì những đóng góp nhỏ bé của mình cũng hữu ích cho nhiều người, và an tâm vì những đóng góp quý báu của ân nhân đã được sử dụng đúng chỗ, là viên thuốc cho người bịnh, chén cơm cho người nghèo, niềm ủi an cho người bất hạnh.

 

Khuôn mặt của những cụ già cô quạnh, ánh mắt trẻ thơ của các bé mồ côi, nụ cười tiếng nói tíu tít của cả mấy trăm em học sinh đã gặp, lời chia sẻ chân thật và những khích lệ ân cần của các vị tu hành sẽ còn mãi trong lòng chúng tôi, như những nét vẽ, những âm thanh đặc sắc tô điểm nên một mùa xuân đầy ý nghĩa cho chúng tôi. Dư âm của mùa xuân này sẽ còn âm vọng mãi, sẽ hâm nóng nhiệt huyết anh chị em chúng tôi thêm một quãng đường dài nữa…

 

Xin cảm ơn quý ân nhân, đặc biệt quý vị đã tặng quà cho chuyến công tác. Nhờ đó, chúng tôi có thể chuyển đến các trạm xá, các nhà Sơ để tình thương của quý vị vì có thể trực tiếp xoa dịu nỗi đau những người thiếu may mắn tại quê nhà. b

Recent Posts

Thư Pro’h