Chuyến Đi Mùa Hè 2015
Trong hơn 13 năm gắn bó với công việc của Hội, từ nỗ lực duy trì văn hoá Việt Nam ở địa phương đến những hoạt động từ thiện giúp đồng bào tại quê nhà, anh chị Hội Trưởng luôn khuyến khích ba con của mình cùng tham gia. Từ 6, 7 tuổi, các cháu đến Trung Tâm của Cộng Đoàn để học Việt Ngữ và Giáo Lý. Lúc còn nhỏ, các cháu đến phụ bố mẹ và các cô bác trong những dịp Hội làm việc gây quỹ. Khi lớn hơn, dù bận rộn với việc học cháu Hoàng Lan cũng tham gia vào Hội Văn Hóa và Ngôn Ngữ Việt tại đại học Los Angeles (UCLA). Năm nay nhân dịp hai cháu gái, đều là sinh viên dược khoa đang nghỉ hè, anh chị Hội Trưởng dành cho các con món quà bất ngờ: một chuyến thăm quê mẹ. Nghe tin về chuyến đi đầy ý nghĩa này, một ân nhân đã quảng đại đóng góp một ngân khoản đáng kể. Thêm vào hành trang là quà của các bằng hữu tại DirecTV và những thùng thuốc của một bác sĩ trong vùng đã dành tặng. Riêng Hoàng Lan, cô gái út, nghe rằng sẽ đi thăm các bé mồ côi, cô thu hết tất cả những con thú nhồi bông mà cô nâng niu từ hơn chục năm nay chất đầy một valise.
Anh chị Hội trưởng đã đưa các cháu ra thăm gần 20 gia đình gồm người nghèo, người già cô đơn khốn khó ở Lập Định, Cam Ranh; ra Nha Trang thăm Mái Ấm Phước Phúc, nơi cho các cô gái lỡ lầm được ẩn náu chờ ngày sinh nở, rồi có thể gửi con mà ra đi làm lại cuộc đời hay nhận lại con khi có thể. Tại Sàigòn, các cháu cũng được đến thăm Nhà Tuôi Trẻ Khuyết Tật và Nhà Giúp Các Cụ Già Neo đơn.
Kính mời quý vị đọc lời tường thuật.
Thăm Cam Ranh
Chúng tôi đã liên lạc với cha Anh Tuấn, cha sở giáo xứ Suối Hòa trước khi về Việt Nam để xin cha sắp xếp viếng thăm một số gia đình nghèo và các cụ già neo đơn. Đây là nơi chúng tôi đã nhiều lần đến thăm các em học sinh được SBVCC bảo trợ. Lần này chúng tôi dẫn theo hai cô con gái, mục đích là để chúng biết cảnh cơ cực của rất nhiều người ở Việt Nam.
Chúng tôi bàn với cha xứ về cuộc thăm viếng. Vì một số người sẽ đến thăm thuộc giáo họ hẻo lánh, chúng tôi phải đi bằng xe gắn máy không có đường cho xe hơi. Cha xứ cho 2 người chở 2 cô con gái của chúng tôi và cho mượn một chiếc xe gắn máy cho hai vợ chồng tôi.
Một đoàn gồm 4 xe gắn máy và 7 người xuất hành lúc 2 giờ chiều với dự tính đi thăm 10 gia đình. Cha xứ cho biết phải về trước 5 giờ. Chúng tôi khởi đầu với những nhà gần nhà thờ. Đa số những gia đình này có các em học sinh do SBVCC bảo trợ. Họ đều có những hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống của họ càng khổ cực hơn vì năm nay hạn hán. Họ sống nhờ những vườn xoài, nhưng năm nay thu nhập không được bao nhiêu. Có gia đình 10 đứa con, có người làm phụ hồ, nhưng giờ bị liệt do xe xi măng đè lên người, có vài cụ già bị bệnh tim. Cuộc sống của họ quả thật quá khó cực. Chúng tôi biếu tặng mỗi gia đình một số tiền để làm quà .
Trong số 10 người này, ai cũng có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng có một cụ ông đã thu hút sự chú ý của mọi người. Cụ đã 96 tuổi, đã bị bệnh tim và prostate, hiện cụ phải luôn đeo theo bên người bao chứa nước tiểu. Cụ sống một mình trong căn nhà gỗ lợp tôn sắt. Sức nóng trong căn nhà nhỏ bé làm chúng tôi mệt và tuôn mồ hôi như tắm, nhưng cụ phải bó mình trong căn nhà này hằng ngày! Cụ tuy rất nghèo, nhưng trong căn nhà của cụ, đặc biệt là giường của cụ rất ngăn nắp đến nỗi cha xứ tưởng cụ đang chuẩn bị đi đâu xa.
Khi thăm người thứ 10, chúng tôi gặp ông hội trưởng Legio Mariae. Đảm trách việc giúp những người nghèo trong giáo họ lẻ, xa xôi hơn, ông đề nghị với cha xứ và chúng tôi thăm thêm những người già neo đơn, không công giáo, sống chung quanh vùng.
Người thứ nhất chúng tôi đến thăm là một cụ bà đã hơn 80. Cụ mặc chiếc quần đen, áo bà ba nâu, đội chiếc nón lá đơn sơ. Cụ đang ngồi trên miếng đất góc vườn vót lá dừa khô lấy cuống để bán cho người làm chổi chà. Tay phải cằm con dao nhỏ, tay trái cuốn mảnh vải nhỏ để khỏi bị đứt tay. Cụ cho biết phải đi nhặt những cành dừa khô từ những nhà hàng xóm chung quanh rồi bẻ từng lá sau đó mới vuốt lá hai bên và giữ lại cái cuống giữa cái lá. Ngày nào có nhiều, cụ kiếm được 1 kí lô cuống lá dừa và cụ bán được 10 ngàn đồng (khoảng 46 cents). Tôi tự nghĩ sao thời buổi này còn có người sống phải cơ cực đến thế?Chúng tôi thăm một số cụ già nữa, trong số đó có một cụ bà đáng thương nhất mà chúng tôi sẽ nhớ mãi.
Khi chúng tôi đến thăm, cụ đang ngồi xổm dưới đất với cây chổi cùn trong tay trái. Một tay quét còn tay kia nhặt từng ngọn cỏ trên mặt đất bên “mái nhà” của cụ. Tôi đến hỏi thăm cụ, nhưng dường như cụ nghe mà không hiểu. Qua ông hội trưởng, chúng tôi biết bà đã trên 80 tuổi. Cụ bị con trai lấy căn nhà và đuổi cụ ra chuồng heo. Đó là “mái nhà” bé nhỏ của cụ. Cái chuồng heo này khoảng 80 square feet với 4 cột là vài miếng tôn sắt rỉ sét che mưa nắng, chung quanh trống hoác. Tôi dìu cụ đứng dậy để chụp hình chung. Cụ nhanh nhẹn bước trên cục đá trước bức tường chuồng heo để vào bên trong. Cụ ra dấu tay chỉ cho chúng tôi tất cả gia tài của cụ. Trong “căn nhà” đó có một cái ghế gỗ cũ ngay giữa. Bên trái có mấy cục đá xếp lại làm bếp. Bên phải có miếng ván nhỏ cũ kỹ là nơi mà cụ đặt lưng mỗi đêm. Thật khó tưởng tượng đó là nơi một con người có thể ở. Nếu không chứng kiến tận mắt, tôi không thể tin có người có thể sống trong hoàn cảnh như vậy! Chúng tôi biếu cụ ít tiền và dự định sẽ gửi cha xứ thêm ít tiền để lâu lâu cho bà.
Cuối cùng chúng tôi cũng thăm được tổng cộng 20 gia đình. Mãi đến gần 5 giờ rưỡi chúng tôi mới trở về đến nhà thờ. Mọi người đều mệt, nhưng cảm thấy trong lòng ấm áp không phải vì thời tiết nóng nhưng vì những cái nắm tay cùng nụ cười trên môi các cụ già chúng tôi đã đến thăm.
Tôi biết các con tôi cảm nhận được đời sống khó cực ở đây vì tôi không nghe một lời than mệt dù đã đi dưới nắng như thiêu đốt của vùng Cam Ranh khô hạn liên tục hơn 3 giờ đồng hồ dài!
Thăm Mái Ấm Phước Phúc, Nha Trang
Thăm Nhà Nuôi Dạy Trẻ Khuyết Tật, Saigon
Thăm Nhà Nuôi Người Già Tật Bịnh