Góp Thêm Hơi Ấm Cho Mùa Xuân
Trước Lễ Giáng Sinh 2015, cái rét khắc nghiệt kéo về đem theo bao giá buốt cho miền Bắc. Nghĩ đến người dân nghèo thiếu ăn thiếu mặc phải ra sức chống chọi với những cơn gió bấc lạnh thấu xương, Hội và một ân nhân đặc biệt đã gửi về tặng chăn mền cho hơn 100 gia đình nghèo tại Ninh Bình. Cũng trong thời gian đó vì có việc nhà tại Saigon, chúng tôi 4 người liền kết hợp thực hiện một chuyến công tác vào tháng đầu năm 2016. Nhờ nhiều ân nhân đã quảng đại giúp thêm ngân khoản nên chuyến viếng thăm và quà của chúng ta đã đến được với nhiều người và nhiều nơi hơn. Ở Huế chúng tôi đi Truồi, Nước Ngọt, Thừa Lưu, Kim Long. Ở Ninh Bình chúng tôi đến Chính Tâm. Trạm dừng chân cuối là Bắc Hải tỉnh Sóc Trăng. Tại mỗi nơi chúng tôi đã gặp nhiều đồng bào mà cảnh sống của họ thật không thể nào hiểu được, sức chịu đựng của họ quả là phi thường, có lẽ giấy bút và lời nói không thể nào lột tả hết được mảnh đời bất hạnh của họ. Sau đây là vài nét sơ lược về chuyến công tác.
Ngày công tác thứ nhất, 15 tháng 1-2016: Truồi, Thừa Lưu, Nước Ngọt (Phú Lộc) và Kim Long - Huế
Máy bay đến phi trường lúc 7:45 sáng. Mặt trời chưa lên, buổi sớm còn hơi lạnh, Sơ Lan đã ân cần đợi sẵn, chu đáo với một bình càphê nóng và đưa chúng tôi đi đến 3 điạ điểm tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên. Tuy huyện có nhiều nơi nổi tiếng như Lăng Cô, Chân Mây, phá Tam Giang, núi Túy Vân, nhưng những làng nghèo bao bọc bởi núi cao thì cuộc sống rất vất vả vì đất đai khô cằn, đó là chưa kể đến do những năm chiến tranh bom đạn và hóa chất tàn phá núi rừng mà hậu quả là sức khoẻ của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, họ già sớm, hay đau ốm và rất nhiều khuyết tật.
Nơi chúng tôi đến đầu tiên là nhà thờ giáo xứ Truồi, một nhà thờ nhỏ cũ kỹ nằm nép mình bên quốc lộ 1, cha xứ còn trẻ chọn lựa 41 cụ già neo đơn, đau ốm hay tật bịnh chờ sẵn. Đi vào thêm chút nữa tại nhà thờ Nước Ngọt chúng tôi được gặp một cha sở trẻ đầy nhiệt huyết, các Sơ nhân từ và 15 người già đau yếu, sau đó ghé vào Thừa Lưu chúng tôi gặp và trao quà cho 15 người già và tàn tật nữa.
Tất cả 71 người đều toát lên vẻ khổ đau bất hạnh trên gương mặt khắc khoải lo âu, trong dáng đi lầm lũi như cam chịu. Có cụ già phải nhờ con cháu chở đến, có người cõng con tàn tật trên lưng, có kẻ vịn vào cái xe bước để lết đi, có người bị tâm thần, có người tay chân quặt quẹo. Khi chúng tôi trao tận tay những phong bì đỏ gói ghém tấm lòng của quý vị, những gương mặt khô cằn ấy nở ra nụ cười nhăn nheo nói lên lời cảm ơn ân nhân đã chia sẻ cùng họ, và lưu luyến khi chúng tôi từ giã ra đi.
Xế trưa chúng tôi quay về Kim Long, gần thành phố Huế, nơi đây có 17 người đang chờ. Đập vào mắt chúng tôi là cặp vợ chồng có cặp con song sinh đều bị tàn tật. Hai đứa con trai 8 tuổi không ngồi được, không có trí khôn mà cha mẹ chăm sóc rất kỹ, rất sạch. Ngoài sân lại có một bà cụ tuổi đã hơn 70 đẩy chiếc xe lăn chở đứa con trai đã ngoài 30 tuổi không trí khôn, tay chân như khúc củi khô cong queo. Bà kể lúc bà có thai được 3 tháng thì chồng mất vì tai nạn, bà sanh đứa con bị dị tật bẩm sinh này. Sau bao năm tần tảo cực nhọc nuôi con, nay bà đã trọng tuổi, sức khoẻ yếu dần, bà đẩy con trên xe lăn đi bán vé số kiếm tiền độ nhật. Bà tâm sự rằng chỉ sợ lúc bà qua đời thì ai sẽ lo cho đứa con bất hạnh đáng thương của bà.
Trên chiếc xe lăn bên cạnh, một thiếu nữ có lẽ khoảng gần 20 tuổi bị liệt từ lúc còn bé, sống bằng xấp vé số trên tay. Một chị cỡ chưa đến 40 tuổi bị hoại tử, đôi chân cứ bị cắt dần nay đã trên đầu gối, vì thiếu thuốc thang nên căn bịnh hình như phá hoại nhanh hơn mức bình thường. Trên thềm, một chị khác đang ẵm đứa con đã lớn ngồng nhưng bất toại và kém trí khôn, chị đến để mong các Sơ xin giúp cho môt chiếc xe lăn kẻo cậu con bây giờ đã quá nặng so với sức của chị.
Dưới đất là một ông cụ mà chỉ nhìn thôi cũng đã làm cho tim tôi thót lại: ông cụt cả hai chân, “đi” bằng hai chiếc đòn gỗ rất nhỏ và rất thấp. Chiếc áo lạnh, cái nón da tuy đã sờn rách nhưng rất sạch. Gương mặt của ông toát lên nét hiền từ mà thanh tú. Tôi ngồi bệt xuống đất để hỏi han. Ngần ngừ, ông cho biết ông là quân nhân Việt Nam Cộng Hoà bị thương trong một trận chiến, bây giờ ông sống với con gái và may mắn có người con rễ hiếu thảo nên cũng đỡ tủi thân. Sau khi nhận quà, ông đĩnh đạc nói lời cảm ơn, đoạn người con rể ẵm ông để lên sau xe gắn máy chở về. Chúng tôi ái ngại nhìn theo: vì ông không có chân nên rất khó giữ thăng bằng
. Gặp quý vị này trong hơn 1 giờ mà lúc ra về lòng chúng tôi cứ trĩu nặng.
Ngày công tác thứ hai, 16 tháng 1: Triều Sơn Nam, Hương Trà - Huế.
Để có thể vào tận từng nhà nơi những xóm nhỏ thì chỉ có thể đi xe đạp hay xe gắn máy. Chúng tôi chuẩn bị 45 phong bì, và được hai bác trong hội đồng giáo xứ dẫn đến các gia đình trong nhiều xóm nhỏ xa nhau. Có cụ già đau yếu mà gia đình không đủ tiền đi bịnh viện, và vì đã quá cao tuổi, cụ chọn ở nhà chờ ngày ra đi. Có những căn nhà gỗ, nhà lá trống toang trống huếch, không đóng cửa vì chẳng có gì để sợ mất. Chúng tôi trao cho họ phong bì đỏ chứa đựng tấm lòng chia sẻ của quý ân nhân. Trời chuyển mưa, các bác sợ chúng tôi bị ướt nhưng cũng bảo hãy cố gắng đi thăm thêm 3 gia đình rất đặc biệt. Họ dẫn đi trên con đường ngoằn ngoèo, băng qua nhiều xóm rồi lách vào con đường nhỏ cạnh một dãy nhà và dẫn ra phía sau dãy chuồng heo của những căn nhà ấy. Mùi xú uế từ các chuồng heo, chuồng bò xông sực vào mũi nhưng chúng tôi cố chịu đựng để tôn trọng họ và cùng “cảm” với họ.
Trên một khoảng đất trống nghe đâu là của một lò gạch cũ bỏ hoang có 3 căn nhà sơ sài nằm chơ vơ riêng lẻ, vài đứa trẻ thẩn thơ chơi trước sân. Những căn nhà có lẽ do ban xã hội địa phương cấp phát hay của dân làng góp giúp, làm trên nền xi-măng nhưng vách ván, hay một mặt làm bằng gạch không tô trét và mặt sau bằng gỗ hay bằng lá. Ngoài sân có một khoảng đất vây lưới nuôi vài chục con gà, một ao bèo nước đen ngòm có bầy vịt ngụp lặn. Buổi chiều im gió u uất nên mùi gà vịt, mùi sình lầy ao tù cộng thêm với mùi của chuồng heo quện vào nhau đậm sệt. Chỉ đi qua cũng khá mệt cho buồng phổi, huống gì họ phải sống ngày đêm như thế thì sức khoẻ nào chịu thấu, chúng tôi thầm nghĩ.
Căn thứ nhất của ông chăn vịt, mùa trước đàn vịt của ông bị dịch chết sạch nên ông trắng tay, năm nay ông mượn vốn nuôi bầy khác. Ông cầu mong mùa này may mắn hơn để kịp mua sắm têt và lo cho hai con. Căn thứ hai của đôi vợ chồng trẻ và 2 đứa con còn nhỏ. Người chồng với làn da tai tái xanh xao vì đau bao tử không tiền uống thuốc, khi nào khoẻ thì đi phụ thợ hồ. Người vợ mới sanh non ngày cũng sửa soạn trở lại phụ việc thợ hồ mà hôm nay vì dự báo thời tiết bảo sẽ mưa nên không ai mướn. Căn thứ ba của một gia đình trẻ khác, người cha làm nghề khuân vác nhưng cũng vì sợ trời mưa nên chủ cho về. Nép sau lưng người cha trẻ, chúng tôi thấy một bé gái mặt mày sáng sủa, hỏi chuyện, em nói đang học lớp 8, là học sinh khá và mơ ước lớn lên làm cô giáo để giúp gia đình. Em nói chuyện nhưng đôi mắt đượm nét u sầu, có lúc như ngân ngấn nước mắt, chừng như ước mơ ấy quá xa vời với em chăng. Chúng tôi đã khuyến khích em, và bảo em liên lạc với cha xứ để được giúp học bổng mà tiếp tục đến trường.
Mưa bắt đầu rơi, chúng tôi kéo cao cổ áo. Người lấm tấm ướt và hơi lạnh, chúng tôi nghĩ đến những ngôi nhà bé tạm bợ và trống trải trên bãi đất hoang, họ sẽ lạnh lắm. Hy vọng món quà của chúng ta đem đến cho họ chút an ủi và hơi ấm tình người. Cuối cùng khi về đến nhà thờ thì trời đổ mưa to, chúng tôi vào thăm nhà trẻ, một hình thức cha xứ giúp các gia đình nghèo bằng cách lập nên nơi giữ con cho họ có thể yên tâm đi làm việc. Có gia đình có thể đóng học phí cho con nhưng cũng nhiều gia đình nghèo quá thì được miễn. Các em bé chừng 100 em được chia làm 3 nhóm, được ăn trưa, bữa lỡ, được học đọc học đếm và quan trọng là học lễ phép. Hội SBVCC đã đóng góp để hỗ trợ cho nhà trẻ này gần 10 năm nay.
Ngày công tác thứ ba, 19 tháng 1-2016: Chính Tâm, Ninh Bình.
Đáp máy bay đến Hà nội rồi sớm hôm sau chúng tôi mướn xe đi Chính Tâm. Dù khởi hành từ lúc 7 giờ sáng mà mãi gần 10 giờ chúng tôi mới đến trong sự nôn nóng của mỗi người. Sơ Thu Hà và các Sơ vui vẻ đón chúng tôi cùng với 2 chiếc xe gắn máy sẵn sàng cho mượn, vì Sơ sẽ dẫn chúng tôi đi tận từng nhà. Trong 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đi qua nhiều thôn xóm xa, có đoạn đường trải nhựa sơ sài nhưng đa số là đường đất, có đoạn đổ đá dăm lởm chởm, và có đoạn đi trên bờ ruộng ngoằn ngoèo, hẹp tí teo lại ướt rượt, rất may là không ai bị lọt xuống ruộng! Trong hơn chục gia đình đến thăm viếng, chúng tôi thấy quả thật cuộc sống của họ quá khó khăn nếu không nói là bi đát. Các Sơ sinh hoạt gần gũi trong khu xóm nên biết rõ hoàn cảnh của từng người nghèo khổ này. Nhà của họ được xây bằng xi măng nhưng rất sơ sài, thường là do ban xã hội của xã hay của giáo xứ giúp đỡ. Họ là những người mẹ goá, người già cô độc hay có con khuyết tật. Có bà vì sinh hai đứa con chậm trí bị chồng bỏ. Có người đau ốm chẳng ai đoái hoài.
Chúng tôi được dẫn đến một căn nhà nhỏ nghèo nàn, chỉ có anh con trai chừng 24, 25 tuổi ngồi một mình, nói chuyện thì thấy anh có trí khôn của đứa bé 10, 12. Nghe đâu anh đi làm thợ hồ, leo cao làm việc bị ngã chấn thương ở đầu, nay ngồi bó gối một chỗ ở nhà với người cha già. Không có nương vườn gì cả nên hằng ngày ông cụ xách bị đi xin ăn. Trong một căn nhà sơ sài trống trải khác, một ông cụ ngoài 80 tai lãng chân yếu sống với người con gái gần 60, người này lại bị bịnh bướu nhọt, mặt và đầu đeo đầy những cục bướu lớn nhỏ. Gương mặt của bà làm tôi nhớ đến ông bịnh nhân được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ghé hôn lên trán, mặt và đầu ông cũng y như vầy. Có lẽ bà khổ sở và tủi thân lắm vì những ánh mắt dòm ngó xoi mói khi đi ra đường.
Chuyện của bà cụ trong căn nhà gạch đổ nát làm chúng tôi nhớ mãi. Nhà cụ quay ra con sông đào, lối ra duy nhất là cái cầu khỉ bắt cheo leo sơ sài. Hàng xóm tốt bụng gắn thêm cho ít cây tre nữa để cụ bám vào. Sơ nói lần trước đến thăm, bà cụ …bò trên những thanh tre để ra gặp Sơ, thế nhưng lần này đến thì những cây tre ấy bị trộm lấy mất rồi. Một người hàng xóm khác bên cạnh bèn cắt hàng rào của mình làm một lối nhỏ cho bà chui qua chui về, mà nhà hàng xóm này lại nối với một ngõ khác, xa hơn. Khi chúng tôi đến thăm thì cụ vắng nhà, có lẽ đang đi xin ăn. Người hàng xóm dẫn chúng tôi vào chỉ cho lỗ nhỏ chui qua nhà cụ, một căn nhà gạch nhỏ xơ xác và tiều tụy đến thảm thương.
Đa số những gia đình chúng tôi đến thăm không phải là người công giáo, nhưng họ tỏ ra không ngỡ ngàng khi được các Sơ đến thăm, có lẽ các Sơ đã đến thăm hỏi họ nhiều lần. Mong rằng chúng ta có thể tiếp tay với các Sơ để chia sẻ chút tình người với những mảnh đời bất hạnh này.
(Tất cả những phong bì đỏ gói 500 ngàn tiền Việt, một món quà rất giá trị đối với họ. Chúng tôi đã trao 148 phong bì tận tay từng người.)
Ngày công tác thứ tư, 24 tháng 1: Bắc hải, Sóc Trăng.
Vì đã liên lạc với cha xứ Bắc Hải từ trước để lo mua gạo và mì gói làm quà, chúng tôi chỉ việc đến thăm phát quà. Để có thể dự lễ sáng chủ nhật trong ngôi thánh đường chúng ta đã có nhiều kỷ niệm, chúng tôi rời Saigon từ hôm trước, để rồi sáng sớm đã có mặt tại Đại Hải. Từ đây phải đi chừng 3-4km đường làng hay kinh rạch mới đến được Bắc Hải. Những lần trước chúng tôi vào bằng ghe, nhưng lần này được thầy và các ông trong xứ ra đón chúng tôi bằng xe gắn máy. Chỉ đi một đoạn đường mà chúng tôi cảm nhận được cái nắng cháy rát da. Giờ lễ, trong nhà thờ rất ít thanh niên, có lẽ họ đã ra thành phố làm ăn kiếm sống. Dân chúng trong làng sống bằng nghề nông nhưng đất đai vùng này đã hẹp mà lại bị nhuốm phèn nên trồng trọt không mấy khả quan. Cha xứ hiện nay mới đổi về, cha cố gắng phát gạo giúp dân nghèo khi có ân nhân ủng hộ tài chánh. Sau giờ lễ, những người nghèo (có danh sách của ban xã hội của giáo xứ) được giáo xứ cho ăn bữa trưa mà các bác bên chùa đến giúp nấu nướng. 11 giờ họ tụ tập vào phòng hội, một cái phòng rất đơn sơ, tuy vách xi măng nhưng lợp tole nên rất nóng. Các bác trong ban xã hội đã sắp sẵn 250 phần quà, mỗi phần gồm 10 kg gạo và 10 gói mì. Cùng các Sơ, chúng tôi trao những phần quà ấy đến tận tay từng người. Nhìn những nụ cười nở trên môi họ, chúng tôi quên mất cái nóng hầm hập, cái nhọc mệt đường xa. Họ là những người nghèo, những người khuyết tật, những người già yếu hom hem mệt mỏi. Vì nắng nóng và vì đời sống lam lũ, da họ đều đen xạm và già trước tuổi. Thỉnh thoảng, một vài em nhỏ đến nhận quà thay cho cha mẹ. Nụ cười và ánh mắt chợt sáng của các em làm chúng tôi ấm lòng, đồng thời cũng chợt ưu tư về tương lai của các em. Liệu các em có vượt ra khỏi cảnh sống cơ hàn này không?!
Quá trưa, chúng tôi phải từ giã. Lần này chính cha xứ cũng là một trong những “tài xế xe ôm” chở chúng tôi trở ra, đi qua những con đất đường nhỏ, qua cái cầu xi măng hẹp khoảng 1m, thêm một đoạn đường nữa mới đến nơi xe chờ để ra quốc lộ. Nắng bỏng rát trên lưng, mồ hôi đổ đầm đìa nhưng lòng chúng tôi vui và ấm áp.
-o0o-
Hơn 10 ngày đi từ Bắc đến Nam, chúng tôi cảm nhận được nhiều thứ và xót xa cảm thông hơn với những khổ đau của đồng bào mình. Có những lúc chúng tôi phải cắn môi để ngăn dòng lệ, có lúc cười mà nước mắt rơi, có lúc ngẩn ngơ tự hỏi “làm sao họ có thể sống như thế”, và cũng có lúc không hiểu được những bất công mà họ phải gánh chịu.
Cái nóng cháy da của miền cực Nam, cái mưa ướt dầm dề của Huế và cái gió lạnh của miền Bắc …chúng tôi đã có thể bỏ lại sau lưng, nhưng hình ảnh và tình cảm của những người bất hạnh ấy chúng tôi sẽ mang theo mãi. Hy vọng những món quà của ân nhân sẽ giúp họ có cái tết khá hơn một tí. Mong rằng lòng họ ấm hơn một tí trong mùa Xuân này.