Một Nhịp Cầu
Vào năm 2005 khi hai con tôi đã ra trường, có việc làm vững vàng., Vợ chồng tôi đã đưa hai cháu về Việt Nam để hai cháu nhìn thấy nơi xuất xứ của cha mẹ, để dạy cho các con thấy sự cơ cực của những người dân lao động, và nhất là muốn đánh động tình yêu thương, lòng bác ái cho hai con mình, khi chúng nó mới bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành.
Nơi đầu tiên chúng tôi thăm là trạm phong Dilinh, Đà lạt,. Nơi đây chúng tôi đã thấy sự tận tụy của các sơ chăm sóc cho các người bị bệnh phong, nhiều người đã không còn bàn tay, bàn chân. Các sơ đã phải ngâm chân, ngâm tay của ngưòi bị bệnh vào thuốc sát trùng và dùng bàn chải rữa những nơi lở loét, bôi thuốc cho họ mỗi ngày. Ngoài ra nấu cơm cho những người không còn bàn tay và đút cơm cho những ai không còn đủ sức ngồi dậy.
Cứ vài tuần, các sơ phải đi vào nơi vùng xa, tới thăm những gia đình có người mới chớm bịnh kêu họ ra trạm xá để chữa trị, để rồi sau đó cho họ ít tiền, quà bánh an ủi. Sơ nói căn bịnh này nếu biết sớm và chữa trị kịp thời thì có thể khỏi hoàn toàn, tránh sự co rút chân tay.
Các bệnh nhân khi thấy khách đến thăm trại, thì khoảng 30 người ra ngồi chờ, để hy vọng được phát quà, kẹo bánh, và tỏ ý muốn được chụp hình. Nhìn những bàn tay đưa ra nhận quà mà không còn những ngón tay, có những người mất tay tới tận cổ tay, Còn những người mới nhiễm bịnh nhẹ thì những ngón tay đã bị co quắp. Trông thấy những cảnh tượng hãi hùng, những vết thương, những tàn phá vì bịnh phong trên cơ thể những người đáng thương này. Chứng kiến những sự chăm sóc bệnh nhân của các sơ, trẻ khoảng hăm mấy, già khoảng ngoài 60 làm cho tôi phải suy nghĩ rất nhiều, Tôi tự hỏi mình có thể bình tĩnh để có thể chăm sóc những người bệnh tật dễ lây như thế này không? Học, đọc Thánh kinh hằng ngày mà mình có thể can đảm để làm những công việc như các sơ đang phục vụ người bệnh như thế này không?
Sau khi rời Dilinh, chúng tôi đi về Sóc Trăng thăm giáo xứ Bắc Hải, nơi mà nhiều năm nay hội SBVCC hằng năm gởi tiền về để giúp các sơ điều hành trạm xá, phát thuốc và khám bệnh cho các đồng bào nghèo, các đồng bào khuyết tật, các người Cam Bốt đang sống rải rác trong vùng.
Để tới được giáo xứ Bắc Hải, chúng tôi thuê xe đi, khi qua khỏi biên giới Cần Thơ và Sóc Trăng khoảng 10 km, thì thấy giáo xứ Đại Hải là một nhà thờ nằm trên trực lộ giao thông chính liên tỉnh. Xuống xe tại đây, chúng tôi phải thuê ghe máy chạy từ ngoài lộ đi bằng đường sông 45 phút mới tới được khu Bắc Hải. Nhìn cảnh ruộng lúa mênh mông ngập nước, vài cọng lúa lú nhú lên khỏi mặt nước, làm tôi nghĩ là sông vùng này to lớn quá, sau hỏi ra mới biết vào tháng 11 là tháng mùa nước cao vừa dứt, cây cối dọc theo đường đất xanh tươi, gió thổi mạnh vì vận tốc ghe máy chạy khá mau, không khí có vẽ dịu mát hơn. Lác đác có vài căn nhà lá dựng dọc theo mé sông, gọi là căn nhà cho có vẻ sang chứ thật ra toàn thể căn nhà chỉ bằng một phòng ngủ bên Mỹ, nhà không có cửa nẻo, cảnh vắng điù hiu, giờ này có lẽ cả nhà đều phải đi làm.
Ghe tắp vào một bên bờ sông có xây bực để bước lên, đây là mặt trước của trạm xá Bắc Hải. Vào bên trong trạm xá được chia ra 2 phòng, một phòng để khám bệnh, phòng kế bên có giường để chăm sóc người bệnh khi họ cần nghỉ ngơi trong lúc điều trị trong ngày. Sân trước của trạm xá, có nhiều dấu hiệu của sự hư hại trong mùa nước cao, có nhiều vết rạn nứt. Nhưng trạm xá được nâng thềm cao hơn nửa thước nên nước không ngập vào bên trong, sàn nhà lót gạch bông trắng nên cũng trông rất đẹp mắt và tươi mát.
Khu trạm xá được xây cất vào năm 2002 do một người trong giáo xứ Saint Catherine Labouré, cộng đoàn Thánh Phêrô Torrance, khi qua đời vì bịnh ung thư và gia đình đã góp thêm tiền để xây cất. Trạm xá khám bịnh và phát thuốc nếu có thể. Những trường hợp bịnh nặng, các sơ sẽ lấy ghe đưa họ ra bệnh viện tỉnh để điều trị. Sở phí cần mỗi tháng để điều hành trạm xá khoảng một triệu, tiền Việt. Có đôi khi trạm xá hết tiền, hết thuốc, các sơ đã phải tính đến chuyện đóng cửa cho đến khi có tiền để mua thêm thuốc. Ước chi có một vị mạnh thường quân nào chịu đứng ra bảo trợ món tiền này để trạm xá không phải đóng cửa vì thiếu thuốc.
Chúng tôi được các sơ dẫn cho đi xem bên trong, đó là khu xây cất 5 phòng học cho các em trong vùng, buổi sáng được cha mẹ gởi trước khi đi làm, đã được các sơ chăm sóc, và dạy học, nuôi ăn một buổi. Khi chúng tôi đến thăm vào khoảng trưa nên thấy các em nằm ngủ trong các phòng này.
Nói chung, trường học dậy các em lớp nhỏ, và vài em lớp Tình thương nghĩa là các em đã lớn tuổi nhưng chưa được đi học. Ngôi trường này được một nhóm thiện nguyện bên Pháp tài trợ và đã hoàn tất vào năm 2004. Trường nhận học sinh quanh vùng nghèo khó, có vài gia đình khá giả hơn thì họ trả một ít chi phí cho con của họ, còn ngoài ra tất cả mọi chi phí các sơ phải tự xoay sở.
Các sơ đưa chúng tôi qua khu nhà thờ Bắc Hải kế bên. Đây là một giáo xứ truyền giáo, có nhiều người Miên và người Việt sống rải rác khắp nơi. Gặp cha Minh Văn là cha sở. Cha giáng người gầy và cao, vào khoảng 40 vui vẻ hăng say hoạt động. Cha dẫn chúng tôi đi xem chung quanh nhà thờ.
Nhà thờ được xây bằng mái tôn, cột gỗ, sàn lót gạch tàu, vài nơi nứt nẻ, vài nơi mất vài viên gạch, lòi đất, ghế ngồi bị hư hại nhiều vì một phần bị mối đục khoét, một phần bị nước ngập hàng năm làm hư hại, tường nhà thờ màu sơn trắng mà từ đất lên cao độ nửa thước, bị mốc đen ( theo mực nước lúc bị nước ngập ). Cung thánh, nhà tạm cũng bị mối mọt ăn.
Qua khu nhà gồm một rộng phòng kê nhiều dãy ghế giống như những lớp học cách đây 50 năm. Nơi đây được dùng cho những lớp học bình dân và Giáo lý mỗi chiều thứ bảy, cho khoảng 200 người tham dự. Những người này phải rời nhà từ chiều thứ bảy, họ chèo ghe tới dự những lớp Giáo lý vào chiều thứ bảy, sau đó là ăn tối, ngủ lại đêm trong những lớp học này, đến hôm sau dự Thánh Lễ rồi mới ra về. Mỗi tháng cha Minh Văn phát 10kg gạo cho mỗi gia đình nghèo. Hiện nay có khoảng hơn 100 gia đình cần sự trợ giúp gạo. Sau đó cha Minh Văn cho xem những hình ảnh sinh hoạt hằng tháng của người dân, những cảnh nước ngập lên tới đầu gối trong khu nhà thờ.
Cha Minh Văn ngỏ ý muốn tôi khi về lại Mỹ, giúp cha xin tiền để xây lại nhà thờ và các phòng học.
Sau chuyến du lịch, trở lại Hoa Kỳ, tôi đã chia sẻ những gì mình thấy được tại trạm xá Bắc Hải, và nhà thờ Bắc Hải. Vì hội SBVCC chỉ chủ trương giúp các em học sinh nghèo được tiếp tục đi học, và giúp một số trạm xá. Vì đây là một trường hợp đặc biệt, nên hội sẽ đưa chương trình gây qũy để xây lại nhà thờ Bắc Hải là “một dự án đặc biệt” để kêu gọi mạnh thường quân cùng nhau phụ giúp.. Một năm sau, ông bà hội trưởng có dịp đi Việt Nam, nên đã ghé xem tình trạng nhà thờ thật sự đang trên đà đổ nát, và người dân sinh sống chung quanh có đời sống thật cơ cực, có những cảnh người tàn tật, già nua, neo đơn không có người chăm sóc, những căn nhà mái tranh đã hư hại nhiều, mỗi khi trời mưa thì phải mặc áo mưa, đội nón để khỏi bị ướt.
Tạ ơn Chúa đã cho hội chúng tôi quyên góp được 15,000 đô la. Có vị tặng nhà thờ 1 hoặc hai hàng ghế, có gia đình tặng cửa sổ, có gia đình dâng cúng tượng Đức Mẹ. Nói tóm lại Thiên Chúa đã mượn bàn tay của qúi vị vươn qua biển khơi để giúp đỡ những cảnh sống cơ hàn này.
Năm nay 2007 tôi lại có dịp về Việt Nam, nên có ghé thăm công trình xây cất tại nhà Thờ Bắc Hải, và trạm xá. Vào viếng nhà thờ, tôi thấy công trình xây cất nhà thờ đã gần hoàn tất. Và một điều ngạc nhiên hơn là khi chúng tôi quỳ xuống để tạ ơn Chúa thì thấy hàng ghế cho giáo dân qùy đều có nệm dày cho êm đầu gối, điều mà tôi chưa thấy trong một số nhà thờ tại Sàigòn.
Ra phiá sau nhà thờ, tôi thấy 3 phòng đang xây, dành cho các lớp học. Gần đó có một cái ao lớn, cha cho biết đất được lấy lên từ dưới ao này dùng đắp nền cho các lớp học. Ao để một thời gian sau cho nước bớt phèn, sẽ dùng làm nơi nuôi cá. Lớp học dùng bằng những mái tôn và cột gỗ được cẩn thận gỡ ra từ ngôi nhà thờ cũ. Ngoài ra tôi còn thấy 2 căn phòng còn đang xây dở dang, được cho biết sẽ làm nơi nuôi dưỡng những người già neo đơn không còn người thân chăm sóc.
Tới những vùng xa xôi hẻo lánh này tôi thấy nhu cầu cuả người nghèo còn nhiều điều cần giúp đỡ, còn cần đến những sự giúp đỡ của các vị hảo tâm, nhìn thấy được sự sáng suốt của vị chủ chăn đem tới những ấm no thịnh vượng cho người dân rất quan trọng, thiếu thốn về vật chất không làm cho các cha chùn buớc, nếu năm này làm không xong thì chờ sang năm tới.
Nhà thờ Bắc Hải sẽ dự trù dâng Thánh Lễ tạ ơn, và khánh thành vào ngày 15 tháng 11 năm 2007. Ước mong sao trong chúng ta có vài người có thể về dự Thánh lễ này
Bài viết xong vào mùa Tạ ơn, và Giáng Sinh năm 2007, để dâng lên Thiên Chúa những tấm lòng của qúi vị mạnh thường quân, những Dân Chúa đã giúp đỡ những đồng bào của chúng ta bên quê nhà.
Hải và Tami Trịnh, 2007