Trip 2009

Chuyến Công Tác 2009

 

Trong 6 năm cùng làm việc trong Hội, chúng tôi vẫn nhiều lần thay nhau về thăm quê, nơi mà chúng tôi hằng nhớ đến với tất cả tình yêu thương. Việt nam không những là quê nhà, mà còn là nơi có các em học sinh nghèo, các cụ già neo đơn, những người đau yếu mà hằng ngày, hằng tuần chúng tôi cố gắng làm “một cái gì đó” để cứu giúp.

Năm nay, để cùng có chung một cái nhìn tổng quát, chúng tôi 10 người xin nghỉ phép và thu xếp việc gia đình để làm một chuyến về thăm Bắc Hải, Cam ranh, Huế và Quảng trị.

  Bắc Hải, Phụng Hiệp, Sóc Trăng

Ngày 18 tháng 2, chúng tôi đi Cần Thơ, nơi có trạm xá Bắc Hải và nhóm các em ở Phụng Hiệp. Từ Sai gòn đến Đại Hải mất 4 giờ xe, và từ đó chúng tôi đi ghe nhỏ khoảng 40 phút vào tới Bắc Hải. Con lạch nhỏ không bóng cây. Ghe nhỏ không mui che. Trời rất nắng và nóng ẩm, nhưng tất cả đều quên nóng vì náo nức vào thăm Bắc Hải, nơi mà Hội đã bắc nhịp cầu giúp xây một trạm xá và một nhà thờ. Đây là vùng kinh tế mới được thành lập sau năm 75, dân chúng bị đưa đến từ miền Bắc, từ biên giới Cao Miên hay người tứ xứ không tìm ra nơi nương tựa. Có lẽ ở đây đất còn mặn, còn phèn, nên dân chúng khó làm ra cái ăn. Ruộng không được là bao mà lại hay ngập đến úng thối.


 


 Chúng tôi vào thăm trạm xá Bắc Hải do các Dì Phước trong tu hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn coi sóc. Gọi là trạm xá, nhưng chỉ có 1 phòng có 1 giường và 1 phòng phát thuốc. Tủ thuốc thì cũng chỉ vỏn vẹn những loại thuốc mà chúng ta cho là thông thường, nhưng lại rất quý và rất càn thiết cho dân nghèo nơi này. Các Dì phải tự lo lấy mà sống, nên sau nhà có chuồng vịt, gà để bán trứng. Các Dì cũng có nhà trẻ cho gần 100 em. Phụ huynh có người đóng lệ phí (tượng trưng), có người khất dần cho đến khi bán lúa, bán vịt, mà nếu có nhắc đến lệ phí nữa thì họ cho con nghỉ học! 

 Nhà thờ Bắc Hải là nơi mà ngày trước đã bị ngập lụt, mối mọt và rỉ sét. Nơi đây có cha xứ Nguyễn Minh Văn tốt bụng và hăng say làm việc bác ái. Nhờ sự tận tụy của Cha và sự thương yêu của nhiều nhà hảo tâm  mà một ngôi nhà thờ mới, trang nghiêm và xinh xắn nay đứng sừng sững soi bóng trên giòng kinh nhỏ. Chung quanh nhà thờ là phòng học cho các lớp xóa mù chữ và những phòng dành cho người neo đơn đang được xây dựng. Một phòng ăn rất lớn, ở đây là nơi mà hằng tuần rất nhiều người nghèo sẽ tụ họp để kiếm bữa cơm trưa, và hằng tháng được lãnh 10 kilo gạo để đắp đổi những bữa thiếu ăn.

Ở Phụng Hiệp, một lành nhỏ ven lộ, chúng tôi được Soeur Thúy Luyên thuộc Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn sắp xếp cho gặp các em. Đây là 1 trong 6 nhóm Hội bảo trợ tại vùng châu thổ song Cửu Long. Các em rất vui mừng khi được gặp chúng tôi, những người mà các em xem là đại diện cho quý ân nhân, có em cảm động rướm nước mắt. Tấtcả các em đều có hoàn cảnh thật đáng thương và các em cống gắng từng ngày, từng bước để vươn lên, cố vượt ra khỏi số phận. Có lẽ chúng tôi sẽ mãi nhớ hoàn cảnh các em Huỳnh thị Quốc, Nguyễn thị Thu và Nguyễn thị Bảo Vy.





Huế, Quảng trị

Trong vòng 2 ngày, chúng tôi đến thăm được các em ở nhiều nơi: làng Thanh Tiên,  Triều Sơn nam, ở Huế,  làng Ngô Xá, Trí Bưu, Mỹ Chánh ở Quảng trị, ngoài ra chúng tôi còn chớp nhoáng ghé thăm nhà Tình Thương ở chùa Ưu Đàm, gần biển Thuận An. Ở đâu chúng tôi cũng được đón tiếp chu đáo và thân tình, và ở đâu chúng tôi cũng có được những kỷ niệm đẹp.

Tại làng Thanh Tiên và Tiên Nộn, chúng tôi đến thăm 6 gia đình các em ở gần nhà thờ chừng 500m, trong đó có  em Nguyễn thị Thu Trang con của một thương phế binh QLVNCH, cả gia đình 4 thế hệ cùng sống chung êm ấm. Vì thu nhập thấp và có cụ già gần 100 tuổi, gia đình này được nhà nước giúp vật liệu xây được căn nhà gạch mái tôn khang trang.

 







Làng Triều Sơn Nam nằm ven bờ sông Hương, cách thành phố Huế 10km, tại đây có 9 em nhận học bổng. Các em đi học tại trường trong huyện, có 1 em đang học đại học tại Huế.  Nghề chính trong làng là xúc hến hay xúc cát, thu nhập rất thấp. Linh mục quản xứ thấy trẻ em chơi không người coi chừng rất nguy hiểm vì làng ở ven sông, lại nhiều xe xúc cát, cha ngăn phòng khách và mái hiên của nhà xứ làm 3 phòng nuôi giữ trẻ, mướn 3 cô giáo đến chăm sóc, dậy dỗ và cho các em ăn trưa. Cha mẹ trong vùng thấy Nhà Trẻ an toàn và hữu ích nên đem con đến gửi ngày càng đông, hiện nay có 106 em. Tuy lệ phí rất nhẹ nhưng vẫn rất nhiều gia đình không đủ khả năng đóng góp.

 

 

Nhà Tình Thương Chùa Ưu Đàm, huyện Phú Vang Huế. Đây là một cơ sở rất khang trang dưới sự coi sóc của Ni Cô Thiện Tâm. Nhà gồm có 36 em mồ côi, có em bị bỏ rơi lúc vừa lọt lòng 3 ngày. Các em được huấn luyện đạo đức, cho ăn no mặc ấm và được đi học ở các trường trung tiểu học trong huyện. Chúng tôi vào thăm phòng ngủ, phòng học và phòng ăn, tất cả đều ngăn nắp trật tự. Ni cô Thiện Tâm chăm sóc các em bằng tình thương, nói chuyện với các em như người mẹ nên được các em ngoan ngoãn vâng lời.

 



Ở Ngô xá, một làng nhỏ cách thị xã Quảng trị 5km, Hội có 6 em trong chương trình. Đặc biệt có em Nguyễn Chơn Tính bị dị tật bẩm sinh: đôi vành tai em bị cụp xuống che lỗ tai nên thính giác em kém, em phải nhìn vào miệng người nói để đoán và hiểu; Tuy thế em vẫn cố gắng hết sức để theo kịp bạn bè theo học lớp 10 của trường trung học phổ thong cách nhà 10 km. Nhà em rất nghèo, vì cha của em cũng có cánh tay phải bị teo cơ bắp, chỉ làm được vườn rau nhỏ.

 



Trạm xá tại nhà thờ Lập Định, huyện Cam An, Cam ranh: được thiết lập gần đây để phục vụ dân nghèo chung quanh vùng. Trạm xá mở cửa vào cuối tuần, các bác sĩ, y tá (nữ tu) đến phục vụ miễn phí. Trạm xá có 2 phòng khám bịnh và phát thuốc, tuy đơn giản nhung rất thoáng mát. Để duy trì trạm xá này, cha quản xứ cần khoảng 1 ngàn đô la mỗi tháng. Số tiền này được đóng góp (không đều đạn) bởi ân nhân nươc ngoài cũng như tại điạ phương.

 



Nhà Tình Thương Hướng Dương, Nha Trang, nơi nuôi dạy gần 40 em bị cha mẹ bỏ rơi. Cơ sở này thuộc Dòng Giuse, trước là trường học nên có nhiều phòng học, phòng ngủ, phòng đọc sách, nhà ăn rất khang trang và thích hợp cho cuộc sống của các em đang tuổi lớn và ham học. Các em được cho ăn no mặc ấm, được chăm sóc và sống vui tươi hòa đông, phân chia công việc đồng đều và được gởi đi học các trường tiểu, trung học gần đó. Giám đốc của nhà Tình Thương là một vị linh mục hiền hòa lớn tuổi mà các em yêu kính gọi là “Bố”. Ở đó chúng tôi nhận thấy như là sinh hoạt của một gia đình, mà các em nhỏ không ngần ngại đến mach với “bố” chuyện trường, chuyện lớp. Chi phí hoạt động của nhà Tình Thương là khoảng 1 ngàn đô la mỗi tháng. Số tiền này được đóng góp (không đều đặn) bởi ân nhân trong và ngoài nước. 



 


 

Chuyến thăm quê lần này, tuy đã cố gắng nhưng chúng tôi vẫn chưa thăm hết các nơi có hoạt động của Hội,chưa gặp hết các em trong chương trình Giúp Học Sinh Nghèo, như nhóm các em Nghệ An, Vinh, các em miền kinh tế mới Proh ở Đơn dương, các em vùng Daklak, Đà lạt và nhiều vùng khác ở Huế.

Chuyến đi cũng khá vất vả và vội vàng, nhưng đã để lại trong lòng chúng tôi những hình ảnh và những kỷ niệm khó quên. Những gương mặt dễ thương, những câu nói chân tình, những ánh mắt ấm áp của các em sẽ làm chúng tôi nhớ mãi, và chắc chắn sẽ làm chúng tôi cố gắng hơn nữa để giúp các em đạt được mục đích các em hằng mơ ước: được tiếp tục cắp sách đền trường.





Recent Posts

Thư Pro’h