Thăm Huế - Quảng trị
Tháng 2 năm 2007
Chúng tôi đến Huế trong mùa đón Tết. Không gian êm dịu nhẹ nhàng, Huế rực rỡ muôn màu với mai, đào, cúc, thược dược. Đường sá đông đúc tấp nập và sạch sẽ ngăn nắp. Người người vui vẻ náo nức mua sắm nhưng vẫn còn giữ nét hiền hòa nhã nhặn của chốn Cố đô. Nhìn lướt qua ai cũng chỉ thấy sự phồn thịnh an khang. Nhưng nếu nhìn lại chăm chú hơn thì sẽ thấy còn nhiều cảnh đời lắm hẩm hiu: kìa một cụ gìà móm mém đạp xích lô trên phố, luôn miệng mời chào mà chẳng ai thèm ngoắc lại; kia một em bé dáng chừng 10 tuổi đang rán hết sức lực phụ cha đẩy chiếc xe ba gác đầy những tre nứa, trong quán nước ven đưòng kia một bé gái đang làm nghè rửa ly. Mang những hình ảnh xót xa ấy trong lòng, chúng tôi nghĩ đến các em học sinh trong chương trình bảo trợ học sinh nghèo của Hội. Hy vọng các em sẽ có một ngấy mai tươi sáng hơn như thế.
Ra Quảng trị, chúng tôi ghé thăm các em ở các làng Ngô xá , Trí Bưu và Thuận Nhơn. Hai làng Ngô Xá và Trí Bưu bị ảnh hưởng nặng nề vì chiến tranh năm 1970&1972. Ở Ngô xá, dấu vết của chiến tranh hãy còn trên những bức tường lổ chổ, những mảnh vườn hoang đầy gạch bể nát tang thương. Từ trên những đổ nát điêu tàn ấy, dân làng đã xây dựng lại cuộc sống khả dĩ tạm đủ qua ngày, nhưng nhiều gia đình vẫn còn chật vật lắm, vì thế học phí cho con cái là một nỗi lo âu lớn cho họ. Tuy khó khăn, các em ở đây rất hiếu học. Về nhà các em làm thêm nhiều việc để phụ kiếm miếng cơm. Mùa gặt thì đi mót lúa, mót khoai sắn; mùa mưa đi bắt thêm cá thêm cua. Các em đã vaò trung học lại phải đi học xa nhà, ví dụ các em ở Thuận nhơn kể rằng phải đạp xe 18 cây số, mùa mưa gặp đoạn đường sình lầy em vác xe lên vai! Vậy mà các em đều là học sinh giỏi ở trường.
Ngô Xá
Thuận Nhơn
Ở Huế, chúng tôi đi thăm làng Triều sơn nam, làng cách thành phố chỉ có 20 km nhưng đường rất hẹp và rất khó đi. Nằm sát bờ sông Hương mà đất lại thấp nên mùa mưa năm nào làng cũng bị lụt. Ngay cả trong nhà cha xứ cũng có dấu vết của trận lụt năm trước. Dân chúng ở đây sống bằng nghề lưới cá và vét cát, thu nhập rất it ỏi. Con cái của họ có chăm học muốn tiếp tục đến trường cũng gặp nhiều trở ngại. Phần thì trường trung học cách nhà cả 10km, phần thì mùa mưa lụt phải lo giúp cha mẹ chạy lụt.
Một nhóm nữa chúng tôi được gặp là các em đang trọ học ở Huế. Chúng tôi mượn điạ điểm và 17 em đã đến họp mặt trong vòng 2 giờ. Nhóm này gồm những em từ các làng đến ở trọ để đi học, hay đang làm tập sinh của các tu viện. Có em đang theo những năm cuối trung học, cũng có em đang học đại học Y, Khoa học, Đông Y”. Các em đặt những câu hỏi rất sắc bén: “ Nhờ đâu các cô chú tìm được nguồn tài chánh để giúp chúng cháu”, “những bước đầu làm lại cuôc đời trên xứ người, hẳn các cô chú đã gặp nhiều khó khăn; vậy khi gặp khó khăn, các cô chú có ngã lòng và muốn buông xuôi? Xin cho chúng con những lời khuyên, vì chúng con cũng gặp những khó khăn trong cuôc sống”. “Người Việt nơi xứ người có tha thiết với việc giữ gìn văn hóa mình không”..vv…Các em cũng nói lên lòng biết ơn đến các ân nhân, vì theo các em, nếu không được giúp đỡ, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo đuổi việc học cho tới cùng. Các em cũng hứa là sẽ chăm học, thu lượm kiến thức ở trường và tập rèn những đức tính tốt để sau này trở thành người hữu ích cho đồng bào.
Nhìn những gương mặt tươi sáng của các em, chúng tôi thấy một niềm vui dâng tràn trong lòng: đây là những nhà giáo, những bác sĩ, những tu sĩ tương lai của quê hương mình đây. Khi biết phí tổn học vấn của mỗi khoảng chừng 300-500 đô la một năm, chúng tôi rất lo ngại thay cho các bậc phụ huynh. Vì vậy, chúng thấy an lòng và nghĩ rằng những hy sinh đóng góp của mình thật hữu ích và cần thiết. Dù chúng ta không xây nguyên chiếc cầu đưa các em đi đến đích cùng của giấc mơ học tập, nhưng chắc chắn chúng ta là những mảnh ván nhỏ của chiếc cầu ấy.