Trip 2014

 Charity Trip, Spring 2014

 

Ấm Áp Trong Xuân Muộn

 Suốt năm dài, cả nhóm tính toán cho một chuyến về thăm các em học sinh được Hội bảo trợ, thế mà cuối cùng chỉ hai chúng tôi có thể lên đường. Công việc bận rộn và trách nhiệm gia đình vây buộc nên hầu hết anh chị em đã không thể cùng đi Việt Nam như mong ước.

 Hai tuần sau Tết, chúng tôi khởi hành. Mới sau rằm Nguyên Tiêu mà Sài gòn đã nóng bức đến ngộp thở. Mua sắm thêm vài thứ cần thiết, chúng tôi lên đường ra Huế. Khí hậu ở đây còn mang hơi hướm mát lạnh của mùa Xuân, và một chút mưa nhẹ, rất Huế. Chúng tôi hẹn thăm các em tại Phủ Cam và tại Phú Lộc. Sau đó chúng tôi ngược lên cao nguyên thăm Próh và Vạn Thành ở Lâm Đồng.

Cuộc gặp gỡ tại Phủ Cam: nhóm Huế&Quảng Trị được gầy dựng từ 10 năm nay và có thể nói là nhóm gặt nhiều thành công nhất: đã có nhiều em tốt nghiệp đi làm để tự nuôi thân và gia đình, một số em đã được giúp đỡ từ lúc mới vào cấp hai, nay đang là năm cuối đại học. Được cha phụ trách theo dõi, khuyến khích thuờng xuyên, các em ngoan và cố gắng vươn lên để đạt mục đích. Đa số các em đã gặp chúng tôi 3 lần và liên lạc thư từ với Hội đều đặn nên khi gặp nhau thì như đã thân quen lâu ngày. Trong số các em, tôi nhận ra em Chương, năm 2007 chúng tôi ghé thăm làng Tiên Nộn, còn rất bé, em cứ nằng nặc “mời các cô chú đến nhà, nhà con gần lắm". Hóa ra đi hết mấy con ngõ, mươi mảnh vườn, mồ hôi đổ ướt lưng mới đến, có lẽ cũng gần 1 cây số! Thời gian trôi nhanh, năm nay Chương đã là sinh viên giỏi của trường đại học y khoa Huế. Tôi cũng gặp lại em Thùy Như, năm nào còn là cô học sinh rất bé đang rơm rớm nước mắt kể về người cha đang bị sạn mật, vậy mà năm nay Thùy Như đang sắp hoàn tất 4 năm đại học. Em Bảo, dạo ấy em vừa mất cha, học lớp 10 và lo lắng vì không có tiền đóng học phí, năm nay Bảo cũng gần đạt được ước mơ tốt nghiệp đại học. Cảm động vô cùng là 2 em nhỏ mới 12, 13 tuổi đèo nhau trên xe đạp từ làng Triều Sơn Nam lên Phủ Cam để gặp chúng tôi lần đầu. Hai cái vóc dáng tí hon đạp xe trong gió lạnh cả 10 cây số! Nếu biết thế thì chúng tôi đã can ngăn, để chính chúng tôi đến thăm các em. Bữa cơm trưa mừng Xuân muộn rất vui, rất thân tình và ấm cúng đã kết thúc bằng lời dặn dò khuyên nhủ của cha phụ trách và lời cảm ơn chân thành của các em.





 

Thăm Phú Lộc: Phú Lộc cách Huế 60 km về hướng Nam,  chúng tôi đến Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng cho Trẻ Khuyết Tật do các soeurs Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (Filles de Marie Immaculée) sáng lập và điều hành.  Đầu thế kỷ 20, một vị linh mục người Bỉ đã vận động tài chánh từ quê của Ngài để mua đất ruộng, xây trường học, bệnh xá và mời các soeurs đến phục vụ dân nghèo. Tới giữa thế kỷ 20 thì cơ s này trở thành nơi quan trọng góp phần vào việc phát triển của địa phương, với trường tiểu học, trung học, bịnh xá, nhà nuôi trẻ mồ côi. Sau 1975, trường và trạm xá phải đóng cửa, trẻ mồ côi còn lại vài người, chỉ vài Sơ ở lại “giữ nhà”, làm ruộng vườn và lo giúp việc nhà thờ. Đầu thập niên 80, lúc đi ruộng ngang qua làng xóm, các Sơ băn khoăn vì thấy có nhiều em nhỏ tàn tật bò loanh quanh trong những gian nhà nhà vắng. (Cũng nên ghi chú là với sự hiểu biết của dân quê, có con cái tàn tật thường ít được sự thông cảm của làng xóm mà trái lại có khi còn bị dèm pha, thậm chí xoi mói nết ăn ở của gia đình dòng tộc, vv. Vì thế nếu không may có con tật nguyền thì cha mẹ dấu trong nhà. Vả lại, dù thương con nhưng vì công việc đồng áng mưa nắng dãi dầu, họ đành để con lại nhà, đóng cửa). Các Sơ đã đến vận động cha mẹ cho đem các em ấy về chăm sóc. Chưa có kinh nghiệm nhưng vì lòng thương người, các Sơ tìm tòi, tự học cách xoa bóp, cách tập luyện cho các em, để rồi có em có thể tự đứng lên trên đôi chân mình. “Nhà nuôi dưỡng trẻ khuyết tật” như thế bắt đầu từ 5,7 em, rồi 20,30 em. Cứ sáng sáng các Sơ dùng xe đạp băng ruộng đến tận nhà từng em đón về kiên nhẫn chăm sóc. Lần hồi phụ huynh cảm thấy con mình được nuôi nấng tử tế, sạch sẽ, lại được tập cho cứng cáp, được học chữ, học đan len, vv…họ trở nên tích cực hợp tác với các Sơ. Hãy nghĩ lại: thập niên 80 là những năm khó khăn nhất, kiếm cái ăn (dù chỉ là khoai sắn khô) đã khó mà các Sơ còn chia sớt phần mình lo cho các em thiếu may mắn. Thật là những gương hy sinh đáng thán phục. Hiện nay trường có hơn 120 em khuyết tật đang được chăm sóc, có em chỉ ở ban ngày tối về, có em ở lại đến cuối tuần. Được giúp đỡ bởi nhiều ân nhân, trung tâm hiện có 15 Sơ và vài nhân viên phục vụ. Lệ phí cho mỗi em là 15.000 đồng (khoảng 75 cents) ngày, nhưng nếu gia đình nghèo thì được miễn. Chúng tôi đến vào ngày Chúa Nhật, chỉ có 3 em khiếm thính đang chơi đùa vui vẻ. Trong một lớp học, chúng tôi thấy có 5,6 cái đàn (keyboards), khoảng 5 computers và một tủ kính chưng bày áo len, khăn quàng do các em đan móc. Lợi, một trong các em học sinh được Hội giúp học bổng, đang theo khóa vật lý trị liệu và nay mai sẽ về giúp các Sơ.

Tại cơ sở Phú Lộc này, chúng tôi còn gặp 3 bé gái trong số 15 em người dân tộc nhà nghèo được nuôi dạy. Vài tuần các em được các Sơ đem về thăm buôn làng (Cam Lộ, Quảng Trị hay Daklak, Gia Lai), riêng 3 bé gái này mồ côi. Bé Th. mẹ chết lúc sanh em, theo phong tục của bộ lạc, con phải theo mẹ, tức là bị chôn theo mẹ. Các Sơ đã đến kịp thời xin em về nuôi. Nay em Th. đã 8 tuổi. Được biết một số em mồ côi được các Sơ nuôi dưỡng khôn lớn, đã có gia thất vẫn trở về “thăm nhà”, đem gia đình về “thăm Nội, thăm Ngoại”, và các Sơ được gọi là Bà Nội, Bà Ngoại ấm cúng và rất chí tình. Ngoài ra, có 2 cụ mù lòa ngày trước sống bằng những công việc đơn giản hay nhờ vào lòng từ ái của tha nhân, nay đã già yếu các cụ về sống trong sự bảo bọc của các Sơ.

 



Người viết xin ghi chú thêm rằng nhà Dòng còn có một phòng khám đa khoa tại Kim Long, có các nữ tu bác sĩ, y tá và thiện nguyện viên chuyên khám bệnh miễn phí cho người nghèo và bất cứ ai cần sự giúp đỡ.

Thêm vào đó các Sơ cũng rất lưu tâm đến vấn đề giáo dục, nhất là các em nhà nghèo. Cũng đã 5 năm rồi, các Sơ giới thiệu cho Hội 40 em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn để được ân nhân giúp đỡ tiếp tục đến trường. Sự liên lạc đều đặn của Soeur Leontine với Hội, với các em là một yếu tố đem đến mối dây thân thiết chặt chẽ.

 

Sau khi để lại cho các Sơ một số đóng góp tài chánh, thuốc men và chừng 30 đôi kiếng lão riêng tặng các cụ già, chúng tôi quyến luyến tạm biệt. Rời Phú Lộc, chia tay các Sơ với lòng ngưỡng mộ, các vị là những thiên thần sống bên những mảnh đời bất hạnh. Nếu không có các Sơ khởi đầu và kiên trì giúp đỡ, các em thiếu may mắn này sẽ mãi sống bên lề xã hội trong cô đơn khép kín và đầy mặc cảm.

 

Thăm Próh.

Próh thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, ngày trước là bản làng của dân tộc Churu và K’Ho. Sau 1975, người Kinh được chuyển đến sống ở đây theo các chương trình “kinh tế mới” để làm ruộng, rẫy. Đất ở đây khô cằn nên cuộc sống rất khó khăn. Từ ngã ba Phi-nôm vào Próh khoảng 20km, ngày trước là đường đất và đá dăm lồi lõm khó đi, hiện nay thì chỉ còn khoảng 1km gần tới nhà thờ Próh là còn đường đất lởm chởm đá. Năm 2002, 100 em được giới thiệu đến xin Hội giúp đỡ. Mười hai năm trôi qua, nhiều em đã học xong lớp 12, nhiều em đã bước ra đời vững vàng với cuộc sống. Tuy nhiên vì bản tính đơn sơ, đa số đồng bào dân tộc thấy chén cơm manh áo trước mắt rõ hơn một tương lai xa vời, vì thế họ ít chú tâm đốc thúc khuyên nhủ con cái học hành. Rất nhiều em đã nghỉ học khi vừa xong lớp 9, lớp 10. Vào năm 2006 đại diện Hội đã hai lần đến thăm để hỏi han khuyến khích các em. Hiện nay nhờ sự theo dõi kỹ càng của các Soeurs thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, việc học của các em khá hơn. Hè 2013 vừa qua có 4 em tốt nghiệp lớp 12, trong đó có 2 em lên đại học.

 

Chúng tôi đi xe đò lên đến Phi-nôm rồi đón xe vào nhà của các Soeurs. Con đường gập ghềnh dằn xóc không vơi đi nỗi hồi hộp háo hức: hai chúng tôi sẽ được gặp các Sơ và các em lần đầu tiên! Tận hưởng hết những tiếng cười vui vẻ và sự tiếp đón nồng ấm của các Sơ, chúng tôi sửa soạn phong bì và quà bánh đón các em. Đã 10 năm chỉ biết các em qua thư từ và hình ảnh, tôi chưa biết mặt các em lần nào. Tan buổi học chiều, từng em lọc cọc đạp xe đến gần đông đủ. Những khuôn mặt pha nét núi rừng đậm đà và những nụ cười dễ mến. Từng em tự giới thiệu tên, nói lên lòng cảm mến đối với ân nhân. Em Ma Triệu, Ma Viễn, hay em Nai Dung lâu nay tôi cứ ngỡ là nam vì tấm hình các em gửi lúc còn học lớp 1, nay mới biết các em là nữ sinh khả ái lớp 9, lớp 10. Trao phong bì mừng tuổi đến từng em, chúng tôi ân cần dặn dò các em cố gắng chăm học để vươn tới ước mơ của mình.

Vì đã tối và đường xa, chúng tôi được các Soeurs giữ lại.  Qua bữa ăn rất vui (rât thịnh soạn so với đời sống đơn giản của các Soeurs), chúng tôi được hiểu thểm rằng ngoài việc điều hành một Nhà Trẻ, các Sơ sống như dân làng, tự trồng vườn rau, giàn mướp, nuôi đàn gà và hồ cá. Để giúp dân làng có vốn, các Sơ có 5 con bò cho nuôi rẽ. Các Sơ sống vui tươi và hoà đồng nên dân làng rất yêu mến.

 

Trong đêm khuya lạnh lẽo và tĩnh lặng của núi rừng cao nguyên, nằm nghe gió thổi xuyên qua đường nứt của khung cửa gỗ cũ ghép hờ, tôi ngẫm nghĩ và thầm phục tinh thần phục vụ của các Sơ, các vị đã rời bỏ những tiện nghi của Saigòn, Huế để lên vùng cao nguyên khô cằn vắng vẻ này sống hoà nhập với dân làng, giúp làm cho cuộc sống của họ, của con họ được khá hơn.  Các Sơ trẻ măng và vui tươi trong sáng như những thiên thần trong chuyện cổ tích.

 


Thăm Vạn Thành, Đà Lạt:  

 Báo trước chỉ 20 phút, thế mà Soeur Bernadette đã mở sẵn nụ cười dịu dàng và vòng tay ấm áp đón chúng tôi. Sơ đã cao tuổi nhưng vẫn miệt mài làm việc: một nhà nuôi trẻ suy dinh dưỡng và trẻ mồ côi ở Tà Nung, một trạm xá rất bận rộn ở Vạn Thành và một vườn trồng hoa hồng gần đấy. Đa đoan như thế nhưng Soeur lại rất quan tâm tới các em học sinh trong các gia đình gặp khó khăn. Hiện nay Sơ đã giới thiệu gần 40 em đến với chương trình trợ giúp học bổng của Hội. Hằng năm, Sơ đến thăm từng gia đình, hỏi han khuyến khích răn dạy từng em. Có những em đã ra trường, đi làm và vẫn giữ mối liên lạc.  Gặp Sơ, chúng tôi cảm thấy ấm áp cộng với lòng kính trọng, có lẽ vì sự đơn sơ trong lời nói nhẹ nhàng thân tình, sự dấn thân quên mình để phục vụ và cả sự hiểu biết rộng rãi của Sơ. Chúng tôi biếu Sơ một món quà nhỏ để góp vào chi phí sinh hoạt cho nhà nuôi các trẻ em thiếu may mắn.  

 

***

 

Hành trang trở về, chúng tôi mang theo những nụ cười tươi tắn của các em, những nụ cười hiền dịu của các Soeurs, những nụ cười cảm thông và chia sẻ ưu tư của các vị phụ trách. Đi, gặp, hỏi han và lắng nghe, chúng tôi lần nữa thấy rõ hơn sự hữu ích của việc mình làm và cố gắng tiếp tục tiến bước trên con đường mình đã đi trong hơn mười năm qua .

C&H, Xuân 2014

Recent Posts

Thư Pro’h