Vài Nét Về Chuyến Công Tác Đầu Năm 2018
Ngày 6 tháng 2-2018: Thăm Mái Ấm Tình Thương Trinh Vương tại Trảng Bom, Đồng Nai. Miền Nam nước Việt lúc nào cũng nắng ấm, nhưng hơi ấm tình yêu của mẹ, của cha lại thiếu vắng đối với nhiều trẻ thơ đang nương thân tại các nhà tình thương. Đây là mái ấm tự lực, do nữ tu Phan Thủy chăm sóc một nhóm các em mồ côi hay khuyết tật. Mong rằng những đóng góp của chúng ta cũng nói lên được sự đồng cảm chia sẻ với người phụ trách, và đem lại chút niềm vui ngọt ngào cho các tâm hồn thơ trẻ.
Ngày 9 tháng 2: thăm 3 thôn tại Quảng Trị
1. Làng Vực Kè, xã Hải Chánh, Quảng Trị, cách thành phố Huế độ 40km về hướng Bắc. Từ quốc lộ 1, xe men theo hương lộ hẹp còn đẫm nước do trận mưa kéo dài suốt tháng. Dân chúng ở đây chủ yếu làm nghề nông nhưng chúng tôi quan sát thấy ít ruộng lúa mà nhiều nương khoai rẫy sắn, có lẽ do đất đai không được mầu mỡ.
Trong gian nhà thờ cất tạm, đã có hơn 40 trong số 60 người được chọn đang mong ngóng chúng tôi. Đây là những người kém may mắn trong làng, không phân biệt tôn giáo, được ban xã hội của giáo xứ mời đến. Có cụ thật già, có cụ cô đơn không con cháu và cũng có những vị trẻ hơn mà bị hạn chế về thể lực hay trí lực
2. Thuận Nhơn xã Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị, cách thành phố Huế 45km về hướng bắc. Đây là một trong những vùng bị ngập nặng trong trận lụt vừa qua. Dấu bùn còn in vết trên những cột điện, cọc hàng rào ven con đường đất lởm chởm nhấp nhô. Những vuông lúa lưa thưa mạ non vừa mới gieo sau trận lụt không biết có được mùa để dân làng cầm cự qua mùa. Con lộ giữa những cánh đồng lúa hẹp dẫn chúng tôi vào nhà thờ giáo xứ Thuận Nhơn. Nhà thờ đã quá cũ và qua quá nhiều bão lụt đã được giỡ bỏ, nhà thờ mới chưa cất, nên chỉ có nhà thờ tạm rất nhỏ che bằng tôn thô sơ. Vị linh mục quản xứ còn rất trẻ, vừa du học Pháp về, được phân công đến phục vụ giáo xứ nghèo nơi hẻo lánh này. Cha “nhập gia” được vài hôm thì gặp lúc nước tràn về, làng ngập trong nước sâu 1-2 m, cha xứ chống xuồng đi thăm và cứu trợ những gia đình bị cô lập vì nước lụt!
Vì mưa lớn làm đường trơn trượt, chúng tôi đến trễ 30 phút so với dự định, thế nên gần 60 cụ già neo đơn ốm yếu phải co ro chờ chúng tôi trong buổi trưa mưa dầm gió lạnh. Lạnh vì nhà thờ cũng chỉ là những tấm tôn che tạm bốn bề trống trải không ngăn được cơn gió mùa đông. Có người áo không đủ dầy phải khoác thêm tấm áo mưa mong manh rẻ tiền để giữ hơi ấm. Có người đi bốt nhưng cũng nhiều người chỉ mang dép, quần xắn tận gối lộ đôi chân khẳng khiu lấm đầy bùn đất. Có người đã quá già yếu phải nhờ con cháu đến nhận thay. Cùng với tấm phong bì đỏ chúng tôi trao đến tận tay, mỗi người còn nhận thêm một cái mền do cha xứ xin được của nhóm ân nhân khác. Những cụ già với nụ cười hàm răng sún thân thiện đến bắt chuyện, lòng chúng tôi ấm lại. Ước gì mình có thể giúp họ được nhiều hơn nữa để cái Tết của họ có thêm tấm bánh tách trà, hay họ có thể sắm thêm tấm áo, lon gạo cho mùa đông này bớt giá rét.
3, An Đôn
Xe đi về hướng bắc, qua linh địa La Vang, vượt cầu Thạch Hãn, rẽ về phía trái vào xã Triệu Thượng huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị rồi đến giáo xứ An Đôn. An Đôn là vùng sát núi, đất đai khô cằn, ngày xưa dân vào rừng hái củi bán. An Đôn nay tuy có khá hơn nhờ nghề làm gỗ nhưng cuộc sống vẫn còn rất khó khăn.
Ngày 10 tháng 2: Thăm nhà hai em của Hội gần chùa Thiên Mụ. Nhà rất nghèo, người mẹ ốm yếu chỉ được mướn làm những việc nhẹ, hai con gái học rất chăm, em lớn học y khoa năm thứ 3, em nhỏ lớp 9, đều là học sinh xuất sắc.
Ngày 23 tháng 2: Thăm nhóm học sinh do Hội bảo trợ tại Cao Xá, Tây Ninh. Các em rất chăm học, ngoan ngoãn, thân thiện và có quyết tâm vươn lên.