Thursday, June 23, 2022

Phiến Đá Lâm Bích

 

Cánh rừng lờ mờ sáng. Mặt trời còn chưa lên, mà nếu có thì cũng bị che khuất bởi những tàn cây chót vót với cành lá rậm rạp của cánh rừng già và dãy núi cao nghều nghệu. Trên con đường mòn dẫn vào buôn làng xa, người nữ tu cố gắng cong người bước đi dưới sức nặng của chiếc gùi trên lưng và chiếc túi đeo lủng lẳng bên hông... Chị lẩm nhẩm kiểm lại trong đầu xem thử trong gùi đã đủ thuốc cho bà con nơi buôn làng nghèo ấy chưa, nào thuốc bó cho các cụ bị đau xương mỏi  khớp, nào thuốc ban nóng cho đám trẻ con, nào thuốc bổ cho các bà mẹ trẻ, lại còn thuốc đau bao tử vì bà con ăn quá nhiều ngô khoai và củ mài thay cơm, chị cũng không quên những viên kẹo bột tự làm dành tặng lũ nhóc gầy guộc ... Đây là việc chị làm từ mấy năm nay vì thương cho những mảnh đời bất hạnh nơi những buôn làng xa xôi heo hút. Chị dùng kiến thức của một thầy thuốc và tấm lòng nhân hậu của một tu sĩ để chia sẻ cùng tha nhân đang khốn khó.

Cánh rừng sáng hơn một tí, sương tan dần, lối đi rõ hơn. Chị ngước lên dâng lời tạ ơn Đấng Tối Cao cho chị có dịp đem niềm vui xoa dịu vết thương cùng nỗi buồn cho đồng loại. Chị lắng nghe tiếng chim líu lo véo von gọi nhau thức dậy chào bình minh. Chị ngước nhìn những  giọt sương còn đọng lại nơi chót lá óng ánh phản chiếu ánh mặt trời, muôn sắc muôn màu. Đẹp quá. Chị dâng lời tạ ơn trời bằng những câu kinh sốt sắng...

Đang chìm đắm suy niệm lời kinh, bỗng chị nghe tiếng động phía con suối: vật gì như phiến đá lăn trên dốc sỏi kêu lạo xạo rồi rơi ùm xuống nước. Chị nghĩ đó là một phiến đá lớn. A, mà không phải là phiến đá, bởi nó  nhúc nhích, bơi bơi ngụp ngụp lặn lặn giữa dòng suối! Rái cá hay gấu? Người nữ tu hơi rùng mình vì nghĩ  “nó” là thú rừng, là cọp beo gì chăng, mà chị thì không có đến một khúc gỗ trên tay để tự vệ. Ôi lạy Chúa xin giúp con, con biết làm sao đây, chị kêu lên.

Lấy hết can đảm, chị nhìn kỹ xuống dòng suối: kìa hai cánh tay vươn ra, kìa cái đầu, kìa gương mặt đang ngước lên hit thở. Ôi lạy Chúa, chị lại chấp tay kêu lên: một con người, hay đúng hơn là một em nhỏ. Chị chạy đến sát bờ suối nhìn em đang hụp lặn bắt cá với một dụng cụ thô sơ trên tay. Chờ lúc em ngồi nghỉ trên thanh gỗ mục bên cái rọ có dăm con cá bé, chị mới thấy rõ: em không có chân. Ôi, thương quá. Lân la trò chuyện, em cho biết nhà thiếu thốn quá, em không biết làm gì nên đi bắt cá phụ thêm miếng ăn.  Chị nghe mà nhói trong tim. Nhìn gương mặt khôi ngô của chú bé chừng 7, 8 tuổi phải chịu nhiều bất hạnh, vị nữ tu ân cần hỏi han, rồi sau đó đến nhà thăm và giúp đỡ cha mẹ em trong những dịp “đi làm thuốc” ngang qua bản làng này.

Nghĩ rằng nơi đây phải cuốc rẫy làm nương kiếm miếng ăn, mà với tình trạng sức khoẻ của em thì làm sao sống còn. Vị nữ tu xin cùng Bề Trên và cha mẹ em đưa em về cộng đoàn của các nữ tu để nuôi nấng. Từ đó, cuộc đời của chú bé bước qua một trang mới, sáng tươi hơn: Em được các nữ tu dạy cho biết mặt chữ, tập các kỹ năng sống không cần đôi chân. Rồi em được đến trường như bao trẻ khác. Từ cấp 1, cấp 2, rồi cấp 3, em hoàn thành một cách xuất sắc. Em thông minh, giỏi về vi tính, các chị khuyến khích em học tiếp. Em tốt nghiệp đại học, vượt ngoài mơ ước của một chú bé nơi bờ suối năm nào. Chuyện vui của em chưa ngừng ở đó: nay em có gia đình đầm ấm cùng vợ hiền và hai đứa con ngoan.

Còn người nữ tu ấy, cùng với sự đồng tâm hiệp lực của 2 nữ tu nữa, chị đã và vẫn đưa tay cứu giúp thêm nhiều mảnh đời bất hạnh khác. Căn nhà nhỏ của chị phải dọn ra nơi khác rộng hơn vì có lúc có hơn 40 em đến nương tựa. Làm sao chị ngó lơ khi một thiếu nữ lỡ làng đem con đến gởi gấm. Làm sao chị nói không với một bà lão ẵm cháu ngoại đến cho vì mẹ bé đã mất; và làm sao không nhận một bé gái khuyết tật bị bọc trong túi nilon bỏ rơi trước cổng chùa làng vào buổi sáng tinh sương...  

Căn nhà của các nữ tu khoan nhân ấy nay là Mái Ấm Lâm Bích. Em bé trai như phiến đá nơi bờ suối ấy là bé đầu tiên là khởi đầu cho sự ra đời của mái ấm, và nay dù có công việc làm, có gia đình, chàng vẫn gọi Mái Ấm là nhà để trở về mỗi dịp lễ tết và tham gia nhiều cuộc từ thiện của Mái Ấm. Bởi nếu không có cuộc gặp gỡ và buổi sáng tinh mơ năm xưa, nếu không được cưu mang bởi những trái tim nhân hậu, thì có lẽ chàng vẫn mãi là một phiến đá lăn lóc nơi cánh rừng gìà từng được mệnh danh là vùng hỏa tuyến đầy vết tích của chiến tranh.

                    "Phiến đá" nay là chàng trai ngồi thứ hai từ trái.


 Hãy đến Lâm Bích tại Đông Hà, nhìn các em được ân cần săn sóc dạy dỗ, được sống trong một cơ sở khang trang sạch sẽ, được vui đùa, để thấy đây thật là một mái ấm, và để thấy trên đời này vẫn còn có những tấm lòng đẹp hơn ngọc quý hơn vàng.

 

Mái Ấm Lâm Bích tháng 5-2022

 


 

(Phóng tác kính tặng soeur Hiện, soeur Thành và các soeurs của Lâm Bích).

Tuesday, June 21, 2022

Vui Cùng Hương Giang của Đà Lạt

 Hè năm 2009 Soeur Tự giới thiệu với Hội trường hợp cần giúp đỡ của Hương Giang, cô bé  10 tuổi, lớp 5, chăm chỉ mà cha mẹ rất vất vả kiếm tiền cho 3 con ăn học và lo cho cụ già đang đau yếu.

Cô bé từ đó cố gắng để luôn đạt thành tích tốt mỗi năm học. Mỗi mùa hè em lại viết thư bày tỏ lòng biết ơn với Hội và ân nhân. Sự ham học và ý chí cầu tiến đã giúp em tiến xa hơn để đạt ước mơ giúp mình nên người hầu báo đáp công ơn sinh thành. Tốt nghiệp trung học, em vẫn đi tiếp cao hơn. Năm ngoái, hè 2021 em đã nhận bằng cử nhân ngành Quản trị Du Lịch của đại học Đà Lạt. Chúng tôi đã cùng vui với với niềm vui ấy của em.

Và hôm nay...

Chúng tôi rất  cảm động khi nhận được thư Hương Giang tiếp tục bày tỏ niềm tri ân đồng thời   báo tin em sắp thành hôn, lại còn mời dự tiệc cưới nữa. Em đã nhớ đến chúng ta, những người cho em tựa vai đi qua một đoạn đường gập ghềnh của cuộc sống. Niềm vui này của em cũng là niềm vui của chúng tôi, Hương Giang ạ. Chúc mừng em. Chúc em mãi an bình hạnh phúc.

Ghi chú: trong thư em viết là được học bổng từ năm lớp 2, thực ra từ năm lớp 5 em mới được học bổng của Hội , trước đó do soeur Tự giúp.







Saturday, June 18, 2022

Thăm Mỹ Quý, Đồng Tháp


 Thăm Mỹ Quý, một giáo xứ nhỏ nằm ven kênh Tháp Mười thuộc tỉnh Đồng Tháp. Tuy nơi này cách Saigon chỉ chừng 80 miles (130km) nhưng vì đường hẹp lại đông nên đi xe phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới đến. Hơn 10 giờ sáng thôi mà trời đã rất nóng, chúng tôi được linh mục quản xứ (mà người dân gọi một cách thân tình là “ông cố”) đưa đi thăm một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.   

  

- Một phụ nữ trẻ đang trong giai đoạn cuối của bịnh ung thư. Căn nhà nhỏ bằng tôn, ván và vách lá nằm doi ra gác chân trên mé kênh. Những tấm gỗ lát sàn nhà có những kẽ hở bằng cả ngón tay có thể nhìn thấy nước. Chồng đi làm thuê, chị và con gái nhỏ ở nhà cũng nhặt nhạnh rau ráng kiếm thêm. Ung thư đã di căn, chị không muốn chữa chạy tốn kém nữa, chị nói.

 


- Đọng trong ký ức chúng tôi là hoàn cảnh bà Năm Sông, gần 80 tuổi. Ngày trước ông bà sống trên ghe, không con cái, rồi ông qua đời, bà neo ở bến này lên bờ làm thuê kiếm sống, khi làm cỏ lúa, lúc nhổ rau. Khi ghe mục, “ông cố” xin chủ vườn nọ mượn khoảnh đất nhỏ để làm cho bà một túp lều bé và hứa là khi bà mất cha sẽ hoàn đất lại như cũ. Nhìn bà sống trong túp lều nhỏ bằng tôn quây bằng màn và lưới mà xót xa. 

 



- Cặp vợ chồng già đau yếu, con cái đã lên phố kiếm sống nên ông bà  thui thủi trong căn nhà tôn sơ sài nóng bức. Bà bị hư một mắt và sức khoẻ sa sút.

 







 

- Bà cụ ngày trước đi phụ bếp, rồi bị tai biến, tuy nay đã đi lại được nhưng gầy yếu. Cụ sống cô đơn trong căn nhà bằng tôn gác trên mé kênh. Cha xứ vẫn giúp gạo mắm hằng tháng và gửi hàng xóm để mắt giúp đỡ bà.

 


 

- Ông cụ bị tai biến, sống nhờ con.

 



- Chị bị tiểu đường nặng, vừa ở bệnh viện về. Căn lều tre nứa và những tấm bạt nằm doi ra gác trên mé kênh, chênh vênh, mong manh. 

 

 




 

** Mỹ Quý có ruộng, có vườn xanh mát và những căn nhà khang trang, nhưng nép sau đó là nhiều mảnh đời khốn khổ xơ xác. Họ luôn là sự băn khoăn của Ông cố”, hay “cha xứ”, một linh mục còn rất trẻ, nhiệt thành, sống hoà đồng và luôn lưu tâm đến những người kém may mắn. Vì thế "ông cố" được dân làng yêu mến, cho dù họ thuộc tôn giáo nào.

 

** Ngôi thánh đường nhỏ khang trang mà đơn sơ nằm sát con kênh. Khoảng sân rộng rất thấp hơn mặt đường, lỗ chỗ, gãy vỡ nhấp nhô. Chúng tôi liên tưởng đến những cơn mưa lũ, và con nước lớn kéo về. 

 






 


                                                                         -xOx-

Chúng tôi từ giã Mỹ Quý lúc xế trưa. Nắng miền nhiệt đới thật gay gắt. Mà nóng, nắng, hay đường sá xa xôi gập gềnh... có sá gì so với những  khó khăn mà các cụ già, người bất hạnh  đang chịu?

Tuesday, June 7, 2022

Thăm sư Giác Thiện chùa Chưởng Phước , Di Linh.

Ngày 29 tháng 5, chúng tôi đến thăm và trao quà của một gia tộc ân nhân cùng với sự đóng góp của Hội đến sư Giác Thiện. 


Dịp này chúng tôi được vào thăm mảnh vườn phía sau chùa sum suê chuối, bơ, mít, sapote…xanh tươi; lại có dịp thăm cái Cốc nhỏ của sư nơi góc vườn trúc yên tĩnh. Phải là chân tu mới có thể sống như thế: căn “nhà” bé tí, rộng 2mét, sâu khoảng 1m5 mà 90cm là “ giường” đúc xi măng, không chiếu không đệm.








Thừa hưởng từ gia đình khá giả, cộng với sự trợ giúp mạnh thường quân, sư mua  thêm 2 miếng rẫy, tạo việc làm cho người thất nghiệp và có thêm thu nhập giúp người nghèo (Tuy nhiên vì dịch bệnh, việc bán hoa trái năm nay cũng chậm lại.)


Cùng với việc luôn giúp đỡ người hoạn nạn hay tật nguyền, năm qua sư mua xe mini van về sửa lại để giúp chuyển bệnh nhân về bệnh viện huyện hay xa hơn ( vì chùa Chưởng Phước gần các buôn làng mà xa bệnh viện). Sư cũng mua máy bơm nước, thùng nước gắn vào xe bán tải để giúp chữa cháy khi hoạn nạn xảy ra.


Mong sư được mạnh khỏe để luôn là niềm an ủi và tựa nương cho người kém may mắn.


Mời xem hình và tin nhắn của sư để biết thêm về tấm lòng của vị tu sĩ đầy lòng nhân ái này.




Sunday, June 5, 2022

Trao quà cho Khe Sanh

 Khe Sanh, nơi đã từng là chiến trường khốc liệt. Hiện nay vùng đất này đang được hồi sinh, cuộc sống của người Kinh dần dần khá hơn do buôn bán hay trồng trọt nương rẫy. Tuy thế, người dân tộc Vân Kiều trong những buôn làng ẩn náu nơi vùng sâu thì vẫn còn rất thiếu thốn chật vật. Linh mục Philippe Nguyễn Bá Thông, quản xứ Khe sanh+Hướng Hóa + Ba Lòng là người tháo vát và đầy nhiệt huyết, linh mục luôn quan tâm đem niềm vui tinh thần lẫn  nhu yếu phẩm đến chia sẻ với đồng bào nghèo, đặc biệt xin lập quỹ xin hòm gỗ giúp an táng người nghèo được chu đáo hơn (nhà nghèo, họ chỉ bó chiếu).

Nhờ sự quảng đại của  ân nhân , chúng tôi đã trao quà đến linh mục quản xứ, để góp phần giúp người kém may mắn nơi núi xa xôi này.

Linh mục quản xứ: áo trắng.

(Vì đường xa và còn ngại dịch bệnh, chúng tôi được khuyên chỉ có thể đến nhà thờ Khe sanh chứ chưa vào các buôn làng )


Saturday, June 4, 2022

Soeur Tự , người đem tình thương cho bà con bất hạnh tại Đà Lạt


Ngày 28 tháng 5, chúng tôi đã đến thăm soeur Lê Thị Tự, người làm cánh tay nối dài cho Hội với các em học sinh nghèo hiếu học tại Đà Lạt hơn 15 năm qua.  Soeur luôn là người ân cần theo dõi khuyên dạy từng em nhỏ trong các gia đình kém may mắn, giúp các em có động lực vươn lên. Dịp này, soeur cho hay vì cao tuổi và sức khỏe sa sút nên sẽ nghỉ hưu, mọi việc giao lại cho soeur Thuý, một nữ tu trẻ tuổi mà rất tận tâm với người nghèo.

Quý soeur cho biết dù dịch bệnh, lúc thì online, lúc trực tiếp, dù có thiếu thốn, các em của chúng ta vẫn chăm học. 

Chúng tôi lưu luyến ghi lại vài hình ảnh với soeur .

Xin cảm ơn soeur Tự, kính chúc soeur được luôn an mạnh




                       Soeur Tự: thứ hai từ bên trái. Soeur Thuý: ngoài cùng bên phải


Nhà “Mở”


Trong lúc hàn huyên, hai soeurs cho chúng tôi biết vài năm nay quý soeurs có lập một Nhà Mở, là nơi cho các thanh thiếu nữ lỡ làng đến nương náu chờ ngày sinh nở. Có em lầm lỗi được cha mẹ tha thứ nhưng vì thể diện gia đình phải ẩn mình nơi nhà Mở một thời gian. Có em bị cha mẹ từ bỏ, bơ vơ, đến sống trong vòng tay bảo bọc của các soeurs. Soeur kể: “ tội lắm, có em chỉ mới 15, 16 tuổi, non nớt, ăn chưa no lo còn chưa tới, có biết gì đâu!”.  Đến nhà Mở để có nơi ăn chốn ở, được đưa đi khám thai theo dõi đến khi sinh nở an toàn. Các soeurs chăm lo cho đến lúc “bé mẹ” có thể trở lại với xã hội, “bé con”, nếu muốn, gia đình có thể nhận về, hoặc được đưa vào nhà tình thương tại Tà Nung. 

Hiện có 7 “bé mẹ” trong nhà Mở nhưng đóng kín để giữ gìn sự riêng tư cho các “bé mẹ” còn trong tuổi vị thành niên.

Việc làm của quý soeurs thật đầy lòng nhân ái bao dung. 

Recent Posts

Thư Pro’h