Cánh rừng lờ mờ sáng. Mặt trời còn chưa lên, mà nếu có thì cũng bị che khuất bởi những tàn cây chót vót với cành lá rậm rạp của cánh rừng già và dãy núi cao nghều nghệu. Trên con đường mòn dẫn vào buôn làng xa, người nữ tu cố gắng cong người bước đi dưới sức nặng của chiếc gùi trên lưng và chiếc túi đeo lủng lẳng bên hông... Chị lẩm nhẩm kiểm lại trong đầu xem thử trong gùi đã đủ thuốc cho bà con nơi buôn làng nghèo ấy chưa, nào thuốc bó cho các cụ bị đau xương mỏi khớp, nào thuốc ban nóng cho đám trẻ con, nào thuốc bổ cho các bà mẹ trẻ, lại còn thuốc đau bao tử vì bà con ăn quá nhiều ngô khoai và củ mài thay cơm, chị cũng không quên những viên kẹo bột tự làm dành tặng lũ nhóc gầy guộc ... Đây là việc chị làm từ mấy năm nay vì thương cho những mảnh đời bất hạnh nơi những buôn làng xa xôi heo hút. Chị dùng kiến thức của một thầy thuốc và tấm lòng nhân hậu của một tu sĩ để chia sẻ cùng tha nhân đang khốn khó.
Cánh rừng sáng hơn một tí, sương tan dần, lối đi rõ hơn. Chị ngước lên dâng lời tạ ơn Đấng Tối Cao cho chị có dịp đem niềm vui xoa dịu vết thương cùng nỗi buồn cho đồng loại. Chị lắng nghe tiếng chim líu lo véo von gọi nhau thức dậy chào bình minh. Chị ngước nhìn những giọt sương còn đọng lại nơi chót lá óng ánh phản chiếu ánh mặt trời, muôn sắc muôn màu. Đẹp quá. Chị dâng lời tạ ơn trời bằng những câu kinh sốt sắng...
Đang chìm đắm suy niệm lời kinh, bỗng chị nghe tiếng động phía con suối: vật gì như phiến đá lăn trên dốc sỏi kêu lạo xạo rồi rơi ùm xuống nước. Chị nghĩ đó là một phiến đá lớn. A, mà không phải là phiến đá, bởi nó nhúc nhích, bơi bơi ngụp ngụp lặn lặn giữa dòng suối! Rái cá hay gấu? Người nữ tu hơi rùng mình vì nghĩ “nó” là thú rừng, là cọp beo gì chăng, mà chị thì không có đến một khúc gỗ trên tay để tự vệ. Ôi lạy Chúa xin giúp con, con biết làm sao đây, chị kêu lên.
Lấy hết can đảm, chị nhìn kỹ xuống dòng suối: kìa hai cánh tay vươn ra, kìa cái đầu, kìa gương mặt đang ngước lên hit thở. Ôi lạy Chúa, chị lại chấp tay kêu lên: một con người, hay đúng hơn là một em nhỏ. Chị chạy đến sát bờ suối nhìn em đang hụp lặn bắt cá với một dụng cụ thô sơ trên tay. Chờ lúc em ngồi nghỉ trên thanh gỗ mục bên cái rọ có dăm con cá bé, chị mới thấy rõ: em không có chân. Ôi, thương quá. Lân la trò chuyện, em cho biết nhà thiếu thốn quá, em không biết làm gì nên đi bắt cá phụ thêm miếng ăn. Chị nghe mà nhói trong tim. Nhìn gương mặt khôi ngô của chú bé chừng 7, 8 tuổi phải chịu nhiều bất hạnh, vị nữ tu ân cần hỏi han, rồi sau đó đến nhà thăm và giúp đỡ cha mẹ em trong những dịp “đi làm thuốc” ngang qua bản làng này.
Nghĩ rằng nơi đây phải cuốc rẫy làm nương kiếm miếng ăn, mà với tình trạng sức khoẻ của em thì làm sao sống còn. Vị nữ tu xin cùng Bề Trên và cha mẹ em đưa em về cộng đoàn của các nữ tu để nuôi nấng. Từ đó, cuộc đời của chú bé bước qua một trang mới, sáng tươi hơn: Em được các nữ tu dạy cho biết mặt chữ, tập các kỹ năng sống không cần đôi chân. Rồi em được đến trường như bao trẻ khác. Từ cấp 1, cấp 2, rồi cấp 3, em hoàn thành một cách xuất sắc. Em thông minh, giỏi về vi tính, các chị khuyến khích em học tiếp. Em tốt nghiệp đại học, vượt ngoài mơ ước của một chú bé nơi bờ suối năm nào. Chuyện vui của em chưa ngừng ở đó: nay em có gia đình đầm ấm cùng vợ hiền và hai đứa con ngoan.
Còn người nữ tu ấy, cùng với sự đồng tâm hiệp lực của 2 nữ tu nữa, chị đã và vẫn đưa tay cứu giúp thêm nhiều mảnh đời bất hạnh khác. Căn nhà nhỏ của chị phải dọn ra nơi khác rộng hơn vì có lúc có hơn 40 em đến nương tựa. Làm sao chị ngó lơ khi một thiếu nữ lỡ làng đem con đến gởi gấm. Làm sao chị nói không với một bà lão ẵm cháu ngoại đến cho vì mẹ bé đã mất; và làm sao không nhận một bé gái khuyết tật bị bọc trong túi nilon bỏ rơi trước cổng chùa làng vào buổi sáng tinh sương...
Căn nhà của các
nữ tu khoan nhân ấy nay là Mái Ấm Lâm Bích. Em bé trai như phiến đá
nơi bờ suối ấy là bé đầu tiên là khởi đầu cho sự ra đời của mái ấm,
và nay dù có công việc làm, có gia đình, chàng vẫn gọi Mái Ấm là
nhà để trở về mỗi dịp lễ tết và tham gia nhiều cuộc từ thiện của
Mái Ấm. Bởi nếu không có cuộc gặp gỡ và buổi sáng tinh mơ năm xưa, nếu không được cưu mang bởi những trái tim nhân hậu, thì có lẽ chàng vẫn mãi là một phiến đá lăn lóc nơi cánh rừng gìà từng được mệnh danh là vùng hỏa tuyến đầy vết tích của chiến tranh.
"Phiến đá" nay là chàng trai ngồi thứ hai từ trái.
Hãy đến Lâm Bích
tại Đông Hà, nhìn các em được ân cần săn sóc dạy dỗ, được sống trong
một cơ sở khang trang sạch sẽ, được vui đùa, để thấy đây thật là một
mái ấm, và để thấy trên đời này vẫn còn có những tấm lòng đẹp hơn
ngọc quý hơn vàng.
Mái Ấm Lâm Bích tháng 5-2022
(Phóng tác kính tặng soeur Hiện, soeur Thành và các soeurs của Lâm Bích).